Cập nhật: 08/11/2017 14:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiển Lễ là một làng cổ thuộc xã Cao Minh, Phúc Yên nổi tiếng với nghề làm đồ gốm truyền thống. Nghề làm gốm ở Hiển Lễ đã có lịch sử từ hàng trăm năm và phát triển thịnh vượng vào nửa đầu của thế kỷ XX.

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, các sản phẩm đồ gốm của Hiển Lễ dần bị mất chỗ đứng trên thị trường do không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được làm bằng các chất liệu như: Đồng, nhôm, nhựa, inox... Nghề làm gốm vì thế ngày càng bị thu hẹp, người dân trong thôn không thể gắn bó với nghề khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Nghề truyền thống bị mai một, phần lớn người dân rơi vào tình cảnh thiếu việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân trong thôn đã biết phát huy truyền thống, thế mạnh của một làng nghề, chủ động tìm tòi, học hỏi để mang những nghề thủ công khác về làng. Các nghề mới đã bước đầu tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và tạo cuộc sống ổn định.

 Nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, làm giàu từ nghề mộc

Ông Đào Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Cao Minh chia sẻ: "Dù rất muốn giữ nghề truyền thống của ông cha, nhưng khó có ai có thể đứng ra để giữ và khôi phục nghề. Mất nghề, phần lớn người dân trong thôn rơi vào tình trạng thiếu việc làm, đời sống vì thế gặp rất nhiều khó khăn. Bài toán tìm nghề và giải quyết việc làm cho số lao động dư thừa đã trở nên nan giải không chỉ cho bản thân các hộ trong thôn và cho cả chính quyền địa phương. Để giải bài toán khó trên, Đảng ủy, UBND xã đã định hướng, chỉ đạo người dân mạnh dạn chuyển đổi sang một số nghề mới. Trên cơ sở chỉ đạo của xã, Chi bộ thôn Hiển Lễ đã tích cực vận động người dân tự chuyển đổi nghề. Những năm 2000-2001, một lượng lớn thanh niên trong thôn đã “khăn gói” rời quê đi học nghề làm mộc ở xã Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh). Số khác thì đi học nghề làm cơ kim khí, gò hàn, xây dựng, may mặc, làm dịch vụ vận tải hoặc vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các vùng lân cận. Sau một thời gian học nghề, đúc kết được kinh nghiệm, nhiều người trong số họ lại trở về địa phương và phát triển nghề mới ngay trên mảnh đất quê hương."

Năm 2000, Nguyễn Văn Hậu cùng một số thanh niên rời quê đi học nghề làm đồ gỗ ở Đồng Kỵ. Trải qua 8 năm miệt mài học nghề và làm công cho nhiều cơ sở sản xuất đỗ gỗ lớn ở Đồng Kỵ, khi tay nghề đã vững, anh quyết định về quê mở xưởng sản xuất đồ gỗ ngay tại mảnh đất cha ông để lại. Được sự giúp đỡ, tạo mọi điều kiện của gia đình, chính quyền địa phương, năm 2008 anh đã mở xưởng sản xuất đồ gỗ tại nhà. Thời gian đầu mới mở, quy mô xưởng mộc của anh còn nhỏ, sản phẩm làm ra chủ yếu dựa trên đơn đặt hàng của anh em, họ hàng và một số người dân trong thôn, xã. Tuy nhiên, với bàn tay khéo léo, lòng yêu nghề, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, sản phẩm của anh Hậu ngày càng có tiếng và được nhiều khách hàng tìm đến đặt hàng. Các sản phẩm mộc do anh sản xuất chủ yếu là đồ gỗ gia dụng như: Bàn, ghế, giường, tủ... Mỗi năm, cơ sở sản xuất đồ mộc của anh Hậu cho thu lãi từ 100-120 triệu đồng. Hiện tại, cơ sở cũng đang tạo việc làm cho 5 công nhân với mức lương 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Nói về hiệu quả của nghề mới, anh Hậu cho biết: "Nghề làm mộc đã và đang giúp gia đình tôi cũng như rất nhiều hộ dân trong thôn có được cuộc sống và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để nghề mộc có thể tiếp tục phát triển ổn định tại địa phương, mỗi người làm nghề phải giữ được niềm tin vào nghề của mình, đề cao chữ tín và đạo đức nghề nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Mẫu mã, chất lượng sản phẩm luôn phải sáng tạo, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng thì sản phẩm mới có chỗ đứng vững vàng trên thị trường".

Chủ tịch UBND xã Đào Văn Bộ cho biết thêm, hiện tại, thôn Hiển Lễ có hơn 100 hộ tham gia sản xuất và kinh doanh các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại như: Sản xuất đồ gỗ, cơ khí, vận tải, xây dựng, nhà hàng, kinh doanh buôn bán hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Đời sống của người dân trong thôn đã từng bước  đổi thay, mức thu nhập bình quân đầu người toàn thôn hiện đạt 25 triệu đồng/người/năm, cao hơn 4 triệu đồng so với mặt bằng chung của xã. Thôn hiện có trên 85% số hộ có nhà xây kiên cố từ 1-4 tầng, 70% số hộ có mức sống khá, giàu, số hộ nghèo hiện chỉ còn trên 2%.

Tin vui đến với người dân Hiển Lễ, theo đề nghị và nhu cầu thực tế của người dân trong thôn, mới đây, UBND thị xã Phúc Yên đã có chủ trương quy hoạch và xây dựng HTX làng nghề mộc tập trung tại thôn này. Việc hình thành HTX làng nghề mộc tại  Hiển Lễ sẽ tạo thuận lợi cho các hộ phát triển nghề mới, đồng thời tạo điều kiện giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân trong thôn.

 

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm