Mở đầu chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX diễn ra từ 24 - 28.11 tại TP Đà Nẵng, nhằm giới thiệu đến công chúng về kỳ Liên hoan Phim thứ 20 cùng những bộ phim mới nhất của điện ảnh Việt Nam, tối 8.11 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội), Cục Điện ảnh- BTC Liên hoan Phim đã khai mạc Tuần phim Chào mừng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX.
Khán giả xếp hàng nhận vé xem phim (ảnh chụp tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội)
Tuần phim diễn ra từ ngày 8- 14.11 tại hai trung tâm văn hóa sôi động là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bộ phim được chọn trình chiếu đêm khai mạc: Sài Gòn, anh yêu em đã để lại trong khán giả nhiều cảm xúc nhẹ nhàng, tinh tế.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan (Trưởng BTC Liên hoan Phim lần thứ XX) một lần nữa khẳng định, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX là sự kiện điện ảnh lớn nhất trong năm 2017, cũng là kỳ Liên hoan Phim đặc biệt để những người làm điện ảnh và khán giả nhìn lại dấu ấn điện ảnh qua 20 kỳ Liên hoan Phim, kể từ kỳ đầu tiên năm 1970, trải qua những năm tháng chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tái thiết và xây dựng Tổ quốc, bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Tinh thần của Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX được thể hiện rõ trong khẩu hiệu mới “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và nhân văn” phù hợp với Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng phê duyệt, trong đó điện ảnh là một trong những ngành quan trọng nhất.
Khán giả yêu mến điện ảnh Việt Nam sẽ được xem 29 bộ phim truyện trong chương trình phim dự thi và phim chương trình Toàn cảnh. “Những sắc màu tươi mới, sinh động, những câu chuyện trẻ trung, xúc động hoặc gay cấn, quyết liệt, những phong cách thể hiện nhẹ nhàng, tình cảm hoặc đa chiều, dữ dội… Tuần phim chắc chắn sẽ giúp khán giả có cái nhìn toàn diện hơn về điện ảnh Việt Nam”, bà Ngô Phương Lan chia sẻ.
16 phim truyện dự thi được trình chiếu trong Tuần phim gồm: 12 Chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy; Bạn gái tôi là sếp; Bao giờ có yêu nhau; Cha cõng con; Cho em gần anh thêm chút nữa; Chờ em đến ngày mai; Cô Ba Sài Gòn; Cô gái đến từ hôm qua; Cô hầu gái; Đảo của dân ngụ cư; Em chưa 18; Hotboy nổi loạn 2; Nắng; Sắc đẹp ngàn cân; Sài Gòn anh yêu em; Sứ mệnh trái tim, 12 phim trong Chương trình phim truyện Toàn cảnh gồm: Bệnh viện ma; Có căn nhà nằm nghe nắng mưa; Lời nguyền gia tộc; Nàng Tiên có năm nhà; Nắng 2; Ngày tình yêu; Ngày mai Mai cưới; Nữ đại gia; Taxi em tên gì; Tấm Cám – Chuyện chưa kể; Vệ sĩ Sài Gòn; Yêu đi đừng sợ vàmột phim tham dự giải thưởng Phim ASEAN là Dạ cổ hoài lang.
Phim “Sài Gòn, anh yêu em” thu hút đông đảo người xem
Nét tươi mới là điểm rõ nét nhất ở 16 bộ phim truyện dựthi. Đáng chú ý là sự tươi mới của một thế hệ các đạo diễn trẻ, trong đó nhiều đạo diễn “trình làng điện ảnh” tác phẩm đầu tay đã lập tức được Hội đồng tuyển chọn vào phim truyện dự thi. Còn có nét vụng về của tác phẩm đầu tay, nhưng dễ dàng thấy được sự mới mẻ trong cách phát hiện và tiếp cận các mảng đề tài của đời sống xã hội hiện đại dưới nhiều góc độ, khả năng quan sát, cái nhìn đa diện, sự thẩm thấu để rồi bộc lộ trong sáng tạo của các nhà biên kịch, đạo diễn cùng nhiều thành phần sáng tác khác trong mỗi bộ phim.
12 bộ phim truyện được tuyển chọn vào Chương trình Phim truyện toàn cảnh cũng khá phong phú về thể loại. Những câu chuyện dung dị, gần gũi, đời thường đã được các bộ phim đề cập, dưới các góc nhìn và lăng kính sinh động để nói về tình yêu lứa đôi, quan niệm và lựa chọn bạn đời trong môi trường sống hiện đại, những bất cập trong đời sống gia đình trẻ, mối bất hòa thế hệ, những cuộc mưu sinh nhọc nhằn mà thi vị, tình cảm giữa cha mẹ và con cái… Một đời sống hiện thực sôi động, chân thực đã được phản ánh qua lăng kính sáng tạo của các nhà làm phim.
Sau Sài Gòn, anh yêu em được chiếu Khai mạc Tuần phim, 28 bộ phim còn lại được chiếu tại hai địa điểm là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) và Cinestar (TP Hồ Chí Minh). Theo ghi nhận của phóng viên, tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia trong những ngày qua, lịch phát vé xem phim miễn phí đã thu hút rất đông khán giả yêu mến điện ảnh Việt, trong đó đa số là khán giả trẻ. Những hàng dài người xếp hàng nhận vé đã cho thấy tình cảm nồng nhiệt của khán giả dành cho các bộ phim Việt.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết, bộ phim “Sài Gòn, anh yêu em” do Công ty TNHH MTV Live on sản xuất là bộ phim đã đoạt giải thưởng Phim Điện ảnh xuất sắc tại Giải thưởng Cánh Diều Vàng năm 2016 của Hội Điện ảnh Việt Nam. Bộ phim được lựa chọn mở màn Tuần phim được xem như món quà của điện ảnh Việt Nam dành tặng công chúng, trong một góc nhìn cởi mở, đầy yêu mến để nhìn về nền điện ảnh nước nhàtrong một giai đoạn phát triển mới.
Suất chiếu mở màn Tuần phim không chỉ “chật rạp” từ đầu đến cuối mà còn để lại những xúc cảm lắng đọng với nhiều khán giả. Bà Mai Thanh Hoài (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hào hứng, phim Sài Gòn, anh yêu em đã mang lại những cảm nhận thật nhẹ nhàng, tinh tế và đẹp đẽ về tình yêu, tình người. Bạn trẻ Nguyễn Thị Thanh Bình (sinh năm 1988) cũng chia sẻ: “Giữa cuộc sống xô bồ hối hả, nhịp đập của Sài Gòn, anh yêu em chính là những phút giây lắng đọng khiến người xem cảm nhận được những cảm xúc nhẹ nhàng, thư thái của cuộc sống. Những giá trị nhân văn được truyền tải cũng chính là thông điệp ý nghĩa mà có lẽ các nhà làm phim mong muốn gửi gắm đến người xem. Đó là những thông điệp về tình yêu nam nữ, tình cảm cha con, tình nghĩa vợ chồng và cả tình cảm của những người đồng tính…, tất cả đều đã được khai thác theo một cách riêng, rất trẻ trung và tươi mới…”.
Theo Hoàng Ngân/baovanhoa.vn