Cập nhật: 12/11/2017 11:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng phạm tội do nguyên nhân xã hội không đơn giản, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại đang chịu tác động mạnh của mặt trái cơ chế thị trường. Những ý kiến do phóng viên Báo Nhân Dân cuối tuần ghi lại cho thấy, khi chưa giải quyết thấu đáo, triệt để căn nguyên, nguy cơ bất ngờ xảy ra những vụ án đau lòng vẫn luôn tiềm ẩn.

* GS NGUYỄN MINH THUYẾT,  nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Những vụ án do nguyên nhân xã hội xảy ra cho thấy văn hóa ứng xử, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Thời phong kiến, con người bị ràng buộc bởi lễ giáo, tôn ti trật tự, niềm tin sợ làm điều ác sẽ bị "quả báo" nhưng trong xã hội hiện đại, chuẩn mực đạo đức và nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp có phần bị xem nhẹ. Hơn nữa, hiểu biết pháp luật của nhiều người dân còn kém nên xử sự theo bản năng, không biết kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn thế nào. Họ cũng không có thói quen nhờ luật sư, tìm đến dịch vụ tư vấn tâm lý nên xảy ra tình trạng không ít trường hợp khi đã phạm tội mới tìm hiểu luật.

* TS ÐẶNG THANH NGA, Ðại học Luật Hà Nội: Lứa tuổi vị thành niên và thanh niên là thời kỳ tâm sinh lý đang phát triển, thường ở hai thái cực khí chất nóng và ưu tư. Bản tính tò mò, hiếu động, muốn khẳng định mình trong khi hiểu biết còn hạn chế, bồng bột, cơ thể dồi dào sinh lực muốn luôn "xả" năng lượng dư thừa, ứng xử tình huống kém nên thiếu kiềm chế, gây án. Cái tốt ngấm lâu nhưng cái xấu nhiễm rất nhanh. Nhà trường ít dạy kỹ năng sống; nhiều gia đình bố mẹ mải mê kiếm tiền nên ít quan tâm, nuông chiều hoặc quá nghiêm khắc nên khoảng cách với con càng xa. Cha mẹ cần học cách làm bạn với con, dành ít nhất mỗi ngày 15 phút gần gũi để hiểu chúng, nhà trường nên có phòng tư vấn tâm lý cho cả học sinh và giáo viên. Tuổi trẻ vốn cá tính, nếu có định hướng đúng sẽ không sợ "chệch chuẩn".

* Chuyên gia tâm lý ÐINH ÐOÀN: Cuộc sống giờ đây có quá nhiều áp lực và cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong một xã hội tiêu dùng nên con người dễ nảy sinh tâm lý bực bội, bức bối, ẩn ức dồn nén chẳng khác quả bóng căng phồng chực xì hơi. Không ít người chỉ chú trọng chăm sóc sức khỏe bản thân về mặt thể xác, khi tinh thần bị tổn thương lại ít quan tâm, không đi tư vấn tâm lý; công việc quá bận rộn khiến lười giải trí, gặp gỡ giao lưu để xả bớt căng thẳng. Nhiều khi con người cô đơn ngay tại nhà mình. Khi các thành viên trong gia đình ngày càng ít có thời gian trò chuyện, sẻ chia với nhau thì bức xúc càng có cơ hội tích tụ. Tốc độ sống càng nhanh, con người càng trơ lỳ, thực tế hơn nên cần sống chậm hơn, có những khoảng lặng tĩnh tâm chiêm nghiệm để tâm hồn thư thái, hướng tới những điều thiện, tốt đẹp trong cuộc sống.

* TS TRỊNH HÒA BÌNH, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội (Viện Xã hội học): Có lẽ cần tạo bộ "ứng xử cộng đồng" để mỗi người có thể tra cứu và vận dụng ứng xử khi gặp các tình huống, nhất là trong lúc bị kích động. Tội phạm do nguyên nhân xã hội dự báo sẽ còn gia tăng bởi nhiều tác nhân: khó khăn trong đời sống kinh tế mỗi gia đình và cộng đồng, vướng mắc tình cảm của mỗi người, những ảnh hưởng tiêu cực với bầu không khí xã hội trong thời kỳ mở cửa...

* Thiếu tướng ÐỖ KIM TUYẾN, Phó Tổng cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm: Muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh các vụ giết người do nguyên nhân xã hội, lực lượng công an phải triển khai cấp bách các giải pháp như tăng cường giáo dục pháp luật, chủ động nắm tình hình ở cơ sở để giải quyết kịp thời mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ lúc mới phát sinh, tăng cường tuần tra, kiểm soát các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, cưỡng chế, răn đe, phòng ngừa cá biệt nhằm tước bỏ các điều kiện đối tượng có nguy cơ không thể lợi dụng thực hiện tội phạm. Khẩn trương điều tra khám phá các vụ án, xử lý nghiêm hung thủ để răn đe, tuyên truyền về tác nhân, động cơ phạm tội để mỗi người dân rút kinh nghiệm, tự mình có ý thức phòng ngừa, tránh xung đột, không để xảy ra vụ việc tương tự.

 

Theo Báo điện tử nhân dân cuối tuần

Tệp đính kèm