Cập nhật: 15/11/2017 15:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những vị khách lữ hành ngang qua con đèo này thường được nghe kể về một loài chim có tiếng kêu da diết và nao lòng mỗi khi ánh chiều tà lững lờ buông trên núi Hoàng Liên, gắn với một câu chuyện tình yêu bất thành năm xưa, theo thời gian, chính tiếng kêu “Ô Quy Hồ” của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại trên cao độ gần 2.000m này. Huyền thoại Ô Quy Hồ cũng bắt đầu từ đó…

Cung đường đèo dài gần 50km, trong đó 2/3 con đường thuộc địa phận huyện Tam Đường - Lai Châu, 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa - Lào Cai. Vượt qua cổng Vườn Quốc gia Hoàng Liên chừng vài cây số là tới đỉnh đèo Ô Quy Hồ, đây cũng chính là điểm ranh giới giữa hai tỉnh miền núi phía Bắc Lào Cai và Lai Châu, uốn lượn quanh dãy núi Hoàng Liên, nơi có đỉnh Phanxipăng - nóc nhà Đông Dương lộng gió trên đỉnh cao 3.414m. Đèo Ô Quy Hồ từ lâu đã nổi tiếng không chỉ vì vị trí giao thông quan trọng mà còn bởi vẻ đẹp hùng vĩ bậc nhất Tây Bắc.

Hoàng hôn trên Ô Quy Hồ thật hư ảo

Điều đó không còn quá xa lạ, bởi người ta thường nhắc đến Ô Quy Hồ với một nỗi khát khao chinh phục mãnh liệt, vì đó là con đèo quanh co và hiểm trở bậc nhất nơi rừng núi Tây Bắc, những khúc cua hình tay áo là một trải nghiệm thú vị nhưng đầy mạo hiểm đối với các “phượt tử”. Nhưng bao giờ cũng thế, chướng ngại vật càng khó khăn bao nhiêu thì cảm giác chinh phục lại càng ngọt ngào mê đắm bấy nhiêu, họ truyền tai nhau rằng chạy xe qua những khúc cua ngoằn ngoèo đó gợi lên một cảm giác thênh thang ngút ngàn. Khi đứng trên lưng chừng đỉnh đèo Ô Quy Hồ, trải tầm mắt ra thật xa phía chân trời, mới thấy được sự bất tận bao la của đất trời Tây Bắc, phía dưới thấp thoáng những khoảng đồng lúa xanh xanh, những con đường mòn cong cong ôm lấy dáng núi đồi chạy về phía tận cùng ngưỡng mắt. Bên trên là những dòng sông mây trắng bồng bềnh thả mình trôi xuôi theo hướng gió nhè nhẹ, tất cả tạo nên một không gian lạ kỳ khiến người lữ khách bỗng nhiên thấy mình  hoang hoải như cánh chim trời.

Dãy Hoàng Liên Sơn thật hùng vĩ

Lần đầu tiên ngang qua Ô Quy Hồ, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ hùng vĩ của mây núi đất trời nơi đây, nhưng huyền thoại khi đó mới chỉ bắt đầu, bấy nhiêu đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, trải nghiệm cung đường đèo này vào một đêm trăng sáng mới thấy được hết thảy những gì đáng được gọi là huyền thoại nơi đây. Thật vậy, những người ưa phiêu lưu mạo hiểm thường chọn cho mình một lộ trình sao cho khi về qua Ô Quy Hồ thì đất trời đã ở ngưỡng chiều tà. Vào những đêm rằm, ánh trăng sáng vằng vặc, chênh chếch trải xuống những vách núi sừng sững, hắt bóng về phía khúc cua nhìn nghiêng như một bức tranh thủy mặc đậm chất oai hùng, đó thực sự là một nét chấm phá đầy vẻ huyền ảo và đam mê. Một đêm trăng nào đó ngang qua đỉnh đèo Ô Quy Hồ, xuống xe đứng sát vào một góc cua bên cạnh vách núi dựng đứng sẽ lắng nghe được hơi thở lặng im của đêm núi rừng.

 Đó là sự im lặng đến rợn tóc gáy nhưng cũng thật thú vị, thi thoảng mới gặp được một chiếc xe chạy ngược chiều, ánh đèn xe lúc ẩn lúc hiện từ sau muôn vàn những khúc quanh trông như đốm lửa lập lòe của đám ma trơi. Gió thổi vù vù trên vách đá, và sương mù cứ dâng lên dày đặc từ dưới đáy vực, thảng thốt có tiếng chim từ nơi đâu rất xa vọng về khiến người lữ khách bỗng nhiên thấy hoang hoải một nỗi chênh chao giang hồ. Những khoảnh khắc thế này đòi hỏi người cầm lái phải thực sự tỉnh táo và tập trung, bởi những chuyến đi kiếm tìm cảm giác mạnh bất kể khi nào cũng có thể khiến bạn gặp nguy hiểm, và hãy đảm bảo rằng bạn đã có được sự chuẩn bị kỹ càng về tinh thần cũng như các kỹ năng đi đường đèo buổi đêm, khi đó cuộc chinh phục mới thực sự bắt đầu, và đó cũng là khi bạn có cơ hội chinh phục chính bản thân mình.

Có thể nói, thời tiết cũng là một nét riêng đặc trưng ở Ô Quy Hồ, vào mùa hạ khi bên kia đèo khu vực Sa Pa không khí mát mẻ pha chút lành lạnh của phố núi mờ sương thì bên này đèo Tam Đường nắng lại chói chang và bỏng rát, cỏ cây hanh hao dưới ánh mặt trời dù nơi này chỉ cách nơi kia vài kilômét. Rồi khi mùa đông đến, bên này tiết trời vẫn ấm áp và có chút nắng vào giữa trưa hong khô những vách núi dựng đứng nhưng tuyệt nhiên bên kia Sa Pa thì lạnh giá, sương mù phủ kín lối đi. Đi từ bên này qua bên kia dù vào mùa nào cũng luôn khiến người ta không khỏi ngỡ ngàng với sự đổi thay đến chóng mặt của khí hậu miền sơn cước nơi đây.

Băng tuyết trên đỉnh Ô Quy Hồ

Đối với những người say mê khám phá và chinh phục những cung đường Tây Bắc, thì tứ đại đỉnh đèo sẽ là cái tên thường được nhắc đến nhiều nhất, từ Pha Đin, Khau Phạ, Khau Cọ hay Mã Pí Lèng cũng khiến người ta có một cảm giác thênh thang ngút ngàn khi dừng chân. Thoảng hoặc giữa những ngột ngạt của tháng ngày mắc kẹt thành phố, người lữ khách ấy lại chợt thấy rất rõ ánh trăng đổ mình lấp loáng xuống khúc cua như một dải lụa mềm mại đầy ám ảnh. Những ánh lấp loáng đó như một cơn hoang mê của trời chiều chạng vạng dẫn dụ người lữ hành khất thực những lối mòn quẩn quanh đời sống. Hẳn đó sẽ không còn là giấc mơ với những ai đã một lần chinh phục đỉnh đèo Ô Quy Hồ, và từ đó đều có chung cảm giác dừng chân núi đèo xa lạ nào cũng thấy quen thuộc đến ngỡ ngàng. Những chuyến đi nhiều khi như một thứ thuốc giảm đau mạnh mẽ nhất nhắc nhớ người lữ hành về một vùng đất xa lắc, lãng quên chính mình, và một đôi lần chính thứ cảm giác đau nhức khắc khoải ấy lại gợi lên sự nhớ nhung không tưởng lơ lửng như những cánh đồng mây lãng đãng trôi trong trời chiều Ô Quy Hồ một ngày chưa xa…

 

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm