Cập nhật: 22/11/2017 10:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sinh sống lâu đời quanh hồ Điển Triệt, người dân thôn Yên Phú, xã Tứ Yên, huyện Sông Lô có nghề đan Lờ tôm. Tuy là nghề phụ, chỉ làm lúc nông nhàn nhưng lại khá quan trọng vì nó đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Có thể nói hàng trăm hộ dân ở thôn Yên Phú, xã Tứ Yên hầu như nhà nào cũng đan Lờ. Nhờ có nghề phụ đan Lờ mà các gia đình nuôi được con ăn học, xây nhà, sắm xe máy...

 

Vào những lúc nông nhàn, công việc đồng áng nhàn rỗi thì cả làng bắt tay vào việc đan Lờ. Thật khó có thể tính chính xác một người có thể làm ra bao nhiêu chiếc Lờ. Vì để có một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, bắt đầu từ việc chọn tre, cắt đoạn rồi pha mảnh, chẻ nan, vót nan, đan mê, bẻ má, cài tua, lắp giáp để thành chiếc Lờ hình trụ, hai đầu có gắn tua... Mỗi công đoạn ấy lại do từng người có tay nghề khác nhau đảm nhiệm. Một gia đình có từ ba đến bốn người làm thì mỗi tháng cũng đan được khoảng bốn đến năm trăm chiếc Lờ. Với giá như hiện nay khoảng 6000 đồng một chiếc Lờ đã giải quyết công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho gia đình trong những lúc nông nhàn. Công việc chọn tre để đan lờ rất kỳ công, theo người dân nơi đây thường chọn những cây tre to, vấu nhỏ, đốt dài, mình mỏng, không được cộc ngọn, loại đó mới dùng được vào việc đan Lờ. Sản phẩm thường có 3 loại: Lờ cua thưa, Lờ tôm, Lờ cua mau. Theo người già kể lại thì nghề đan Lờ ở đây đã có từ rất lâu, chỉ biết nó là sản phẩm của đức tính cần cù, chịu thương chịu khó cùng với bàn tay khéo léo của bao thế hệ ông cha truyền lại cho con cháu đời nay khi lớn lên đã thấy có nghề đan Lờ này rồi. Cũng bởi một lẽ người dân sinh sống quanh hồ Điển Triệt lấy việc thả lờ, đơm đó, đánh cá, hớt tôm làm kế sinh nhai.

Trong mỗi gia đình, từ cụ già đến em nhỏ đều tham gia vào công việc đan Lờ. Công việc diễn ra quanh năm suốt tháng, bất kể sớm, trưa, chiều, tối, ngày nắng cũng như ngày mưa. Sau khi chiếc Lờ đã hoàn thiện, những chiếc Lờ được kết nối với nhau bằng một sợi dây thừng với khoảng cách mỗi chiếc Lờ chừng 2m, mỗi chiếc lờ được bỏ vào đó một ít ốc hoặc cua giã nhỏ làm mồi. Buổi chiều khi sương giăng mặt hồ, ngồi trên thuyền thả Lờ xuống hồ để đánh bắt tôm, cua. Sáng sớm hôm sau kéo dây Lờ lên là có cua, tôm đem bán hoặc phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Sản phẩm lờ trong xã không chỉ phục vụ việc đánh bắt tôm cua của bà con trong vùng mà đã có mặt ở khắp trong tỉnh và ngoài tỉnh như: Yên Bái, Phú Thọ... Sản phẩm làm ra đến đâu được khách đến lấy hết đến đó. Nhộn nhịp nhất là vào tháng 5, tháng 6 âm lịch khi gặt xong lúa chiêm, nước dâng lên cũng là thời điểm tôm, cua đều sinh sôi, phát triển. Khách mua Lờ đi bằng xe máy, ô tô đến mua rất đông, có thể nói Lờ tôm ở xã Tứ Yên là một sản phẩm độc quyền trong tỉnh, vì ngoài nơi này ra không thấy ở đâu có.

Ngày nay, trước thành tựu của nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa không ít sản phẩm đan lát đã không còn. Ở thành phố ít nhà còn dùng rổ rá bằng tre đan mà thay vào đó là rổ nhựa, rá thép. Nhưng Lờ tôm không bao giờ thay đổi được vật liệu, mẫu mã, kích thước, không có thứ vật liệu hiện đại nào có thể thay thế được nan tre. Lờ tôm Tứ Yên vì thế mà vẫn tồn tại đến tận ngày nay và mang đặc trưng riêng của con người nơi đây mà không nơi nào có được.

ST

Tệp đính kèm