11 ngày sau khi tàu ngầm ARA San Juan của Argentina bị mất tích, đã có 14 quốc gia tham gia chiến dịch tìm kiếm con tàu này.
Tàu khu trục ARA Sarandi của Hải quân Argentina tham gia chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm mất tích ARA San Juan tại Mar del Plata ngày 21/11 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo các chuyên gia Argentina, Nga và Mỹ - hai nước có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực tìm kiếm, đang tích cực tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ.
Hiện Nga đã triển khai tàu nghiên cứu hải dương cùng máy bay vận tải Antonov đến khu vực tìm kiếm. Máy bay Antonov mang theo một robot có thể dò tìm ở độ sâu 1.000m dưới đại dương.
Trong khi đó, tại căn cứ quân đội Argentina tại Bahia Blanca, hai máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ đang dùng tín hiệu radar để tìm kiếm tàu ngầm. Bên cạnh đó, lực lượng Hải quân Mỹ cũng đã thả phao gắn các thiết bị cảm biến để dò tìm.
Tại cảng Comodoro Rivadavia, tàu Sophie Siem của Na Uy mang theo tàu ngầm mini giải cứu tàu ngầm của Mỹ cũng đã ra khơi, hướng đến khu vực tìm kiếm. Tàu ngầm mini của Mỹ sẽ lặn xuống biển khi lực lượng chức năng xác định được vị trí của thủy thủ đoàn trên tàu ARA San Juan, đưa các thủy thủ này lên bờ.
Dù đã hơn một tuần trôi qua kể từ khi ARA San Juan mất tích, lực lượng chức năng vẫn chưa thể tìm ra con tàu này và Argentina cũng chưa tuyên bố 44 thủy thủ trên tàu thiệt mạng.
Hiện nỗ lực tìm kiếm vẫn đang tích cực được triển khai.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Hải quân Argentina Enrique Balbi khẳng định biển động, sóng lớn khiến việc tìm kiếm tàu ngầm mất tích trở nên rất khó khăn, tuy nhiên Argentina sẽ không từ bỏ việc tìm ARA San Juan.
Ngày 23/11 vừa qua, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cho biết đã xảy ra một vụ nổ lớn tại gần khu vực tàu ngầm đã liên lạc lần cuối với đài chỉ huy.
Sau khi kiểm tra rà soát hoạt động trên biển tại khu vực Nam Đại Tây Dương, IAEA đã phát hiện ra vụ nổ gần khu vực tàu ARA San Juan mất tích, song khẳng định đây không phải là một vụ nổ hạt nhân.
Việc xác nhận vụ nổ giúp lực lượng chức năng có thể khoanh vùng tìm kiếm khoảng 400 km ngoài khơi Argentina, giảm rất nhiều so với khu vực tìm kiếm rộng 500.000km2 trước đó.
Hôm 25/11, báo chí Argentina đưa tin Phó Đô đốc Gabriel González, Tư lệnh căn cứ Hải quân đóng tại Mar del Plata, đã đệ đơn từ chức.
Báo chí cũng đưa tin thân nhân của một hạ sĩ quan làm việc trên tàu cho biết một trong 4 pin lớn của ARA San Juan đã bị trục trặc hôm 14/11 vừ qua, một ngày trước khi tàu phát đi tín hiệu lần cuối cùng, tuy nhiên chỉ huy đã không yêu cầu cập bến. Mỗi pin trên tàu ARA San Juan có chiều dài tới 60m.
Tàu ARA San Juan, hạ thủy năm 1983, là tàu ngầm mới nhất trong ba tàu ngầm mà Hải quân Argentina sở hữu. Đây là loại tàu ngầm diesel - điện lớp TR-1700 do hãng Thyssen Nordseewerke của Đức chế tạo, dài 65m, được trang bị 4 động cơ diesel MTU, bốn máy phát, động cơ điện Siemens cùng 120 khối pin điện, cho phép nó đạt tốc độ tới 46 km/h khi lặn.
Dự trữ hành trình thông thường của tàu lớp TR-1700 là 30 ngày, nhưng có khả năng mở rộng tới 70 ngày liên tục.
Tàu ARA San Juan Rời cảng Ushuaia, cực Nam Argentina, ngày 13/11 vừa qua để trở về căn cứ tại Mar Del Plata và bị mất liên lạc hôm 15/11 vừa qua khi đang làm nhiệm vụ tuần tra tại vùng đặc quyền kinh tế của Argentina, gần cảng Madryn ở Nam Đại Tây Dương./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/nga-va-my-no-luc-ho-tro-tim-kiem-tau-ngam-argentina-mat-tich/477098.vnp