Song song với dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sắp được trình tại kỳ họp Quốc hội, các địa phương Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong cũng đang hoàn tất đề án về mô hình đặc khu kinh tế với những đột phá mới.

Huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) đang được xây dựng trở thành đặc khu trong tương lai.
Mô hình Trưởng đặc khu
Việc xây dựng ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) đang được cả nước kỳ vọng sẽ đem lại những đột phá mới cho nền kinh tế. Quảng Ninh cũng như hai địa phương Khánh Hòa và Kiên Giang đã đề xuất cơ chế đặc thù cho các trưởng đặc khu - người đứng đầu đặc khu, được trao thẩm quyền trong quyết định và tổ chức thực hiện chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và phân cấp, ủy quyền của chính quyền địa phương tỉnh và cơ quan nhà nước cấp trên; thực hiện quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động hành chính của đặc khu.
Liên quan tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại các đặc khu, vấn đề đang gây nhiều quan điểm khác biệt, nhất là tính hợp hiến, mức độ trao quyền cho trưởng đặc khu. Phương án được nhiều ý kiến đồng thuận nhất là tổ chức đặc khu như một thiết chế, không tổ chức HĐND và UBND ở cấp đặc khu. Tương tự, ở cấp xã, phường cũng không tổ chức HĐND và UBND mà sẽ xây dựng mô hình các trưởng khu hành chính. Một phương án khác là tổ chức một cấp chính quyền địa phương đặc khu gồm HĐND và UBND; ở cấp xã, phường trực thuộc chỉ xây dựng mô hình Văn phòng Khu hành chính. Thực tế, dù giải pháp nào thì trưởng đặc khu cũng được trao quyền tự quyết lớn. Thiết chế trưởng đặc khu đã vận hành hiệu quả tại Hồng Công, Thâm Quyến (Trung Quốc) và nhiều đặc khu khác trên thế giới. Mặc dù vẫn lo ngại về khả năng lạm quyền, nhưng TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Khi đã có những quy định rõ ràng, minh bạch; thậm chí những chế tài giám sát chặt chẽ thì không cần có thêm bộ máy để giám sát trưởng đặc khu. Bởi vừa mất thêm thời gian, chi phí, vừa kìm hãm và hạn chế tính sáng tạo, đột phá của mô hình đang được kỳ vọng trở thành "phòng thí nghiệm thể chế".
Khẳng định quan điểm của tỉnh Quảng Ninh về xây dựng bộ máy đặc biệt của đặc khu Vân Đồn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cho biết: Để có một nền hành chính hiện đại, bộ máy tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và đề cao trách nhiệm người đứng đầu thì đặc khu phải có bộ máy đủ thẩm quyền để xử lý nhanh và hiệu quả những vấn đề phát sinh. Chính vì vậy, trong Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất phương án hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền của đặc khu theo hướng không tổ chức HĐND và UBND mà là trưởng đặc khu, có bộ máy giúp việc chung cho cả cấp ủy và chính quyền trên cơ sở hợp nhất, sắp xếp lại cơ quan tham mưu của cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền.
Thu nhập cao cho người dân
Dù Việt Nam đã có tới 18 khu kinh tế với môi trường đầu tư kinh doanh rất thuận lợi cho các nhà đầu tư, song dường như những ưu đãi ấy vẫn chưa đủ hấp dẫn để tạo ra cải cách. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết: Đã coi đặc khu như một nền kinh tế thị trường thì phải để đặc khu cạnh tranh hơn cả Xin-ga-po, Hồng Công (Trung Quốc). Nguyên lý là cần tạo ra một dòng luân chuyển (flow) của nhân lực, vốn, hàng hóa,... chạy về đây rồi mới chuyển dịch đi nơi khác. Muốn tạo được dòng chảy như thế thì các rào cản phải được xóa bỏ, để môi trường thuận lợi, an toàn mà chi phí lại thấp nhất. Vậy cơ chế vượt trội nào sẽ được dành cho các đặc khu của nước ta? Trước hết, đó là các chính sách ưu đãi thuế. Dự kiến, tại các đặc khu kinh tế, mức thuế áp sẽ được áp dụng linh hoạt cho xuất, nhập khẩu, thậm chí có thể miễn thuế hoàn toàn. Thuế giá trị gia tăng sẽ ở mức 0%; thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được miễn trừ; thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ được miễn và giảm trong thời gian nhất định. Doanh nghiệp chỉ phải chịu mức thuế 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo kể từ khi doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế. Riêng đối với thu nhập từ dự án đầu tư - kinh doanh bất động sản thì mức thuế suất ưu đãi sẽ chỉ còn 17%. Hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong đặc khu sẽ được hưởng những thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng. Bên cạnh tiền đồng Việt Nam, họ sẽ được phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi khác.
Để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lớn và bài bản, căn cứ vào ngành, nghề đầu tư và quy mô dự án, thời hạn cho thuê đất cao nhất lên đến 99 năm, gần gấp đôi mức hiện hành. Thời gian miễn, giảm tiền thuê và áp dụng mức giá thuê đất và mặt nước cũng sẽ ưu đãi hơn đáng kể. Khách du lịch quốc tế sẽ được miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 30 ngày. Luật cũng cho phép doanh nghiệp được kinh doanh ca-si-nô, thuê tư vấn quốc tế. Với khung chính sách cởi mở này, ước tính, người dân ở đặc khu có thể đạt mức thu nhập bình quân từ 12 đến 13 nghìn USD/năm, tương đương 23 triệu đồng đến 25 triệu đồng/tháng.
Trước "ngưỡng cửa" trở thành đặc khu kinh tế, Vân Đồn được định hướng phát triển thành một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo, đồng thời cũng là trung tâm hàng không, đầu mối giao thương quốc tế. Ước tính, tại Vân Đồn, Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí; 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030. Nhưng đó mới chỉ là kỳ vọng trong tương lai, chỉ có cơ hội trở thành hiện thực nếu có sự đột phá về cơ chế phát triển. Đó cũng là lý do khiến khung thể chế cho đặc khu được chờ đợi. Chưa lúc nào kỳ vọng về những đặc khu có khả năng tạo sức bật cho nền kinh tế lớn như bây giờ.
QUANG THỌ
Theo nhandan.com.vn