Toàn tỉnh hiện có 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới. Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận và trao danh hiệu cho 17 nghệ nhân cấp tỉnh ở các nghề: mộc, rèn, gốm và 145 thợ giỏi cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình làng nghề gắn với du lịch để phát triển còn hạn chế, chưa thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Người làm nghề mộc Thanh Lãng mong muốn có sự gắn kết giữa du lịch và làng nghề để quảng bá và tạo ra các sản phẩm làng nghề đặc trưng
Tiềm năng rộng mở
Thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên hiện có trên 2.700 hộ dân thì khoảng 2.200 hộ dân sống bằng nghề mộc, chiếm trên 81%. Trong đó, số hộ thu nhập từ nghề mộc làm tại nhà từ 100 triệu đồng/năm trở lên chiếm khoảng 80%. Năm 2016, doanh thu từ nghề mộc của thị trấn trên 900 tỷ đồng. Không ai biết mộc Thanh Lãng có từ bao giờ nhưng theo các cụ cao niên kể lại, đây là nghề truyền thống từ xa xưa, đến nay phải tính vài trăm năm tuổi. Năm 2008, Thanh Lãng là 1 trong 7 làng nghề được công nhận làng nghề tiêu biểu của cả nước.
Để làng nghề truyền thống ngày càng phát triển, hằng năm, UBND thị trấn phối hợp với Trung tâm khuyến công tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, truyền nghề cho người dân; tư vấn về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, nghiệp vụ kinh doanh. Mỗi năm, Thanh Lãng thu hút khoảng 300 lao động đến học nghề và làm nghề tại địa phương. Hiện thị trấn có 3 nghệ nhân, 16 thợ giỏi và hàng chục hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Bên cạnh đó, có hàng chục cơ sở làm nghề lớn, doanh nghiệp tư nhân hoạt động sản xuất ổn định, là đầu mối tiêu thụ sản phẩm, cung ứng gỗ cho các hộ dân ở địa phương. Thu nhập của các doanh nghiệp này lãi gấp 3 đến 4 lần so với các hộ sản xuất kinh doanh khá ở địa bàn.
Được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống từ tháng 11/2006, đúng 1 năm sau, tháng 11/2017, làng nghề rắn Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường được Hiệp Hội làng nghề Việt Nam công nhận là một trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc. Đến nay, nghề chăn nuôi, chế biến rắn trên địa bàn xã đang tiếp tục phát triển. Hiện toàn xã có 600 hộ nuôi rắn, chiếm khoảng 43% số hộ trong toàn xã. Thị trường tiêu thụ rắn Vĩnh Sơn là các nhà hàng, quán ăn đặc sản ở các đô thị trong cả nước, nhưng chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Mỗi năm, làng nghề xuất ra thị trường trên 200.000 tấn rắn thịt, xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 100 tấn rắn thực phẩm. Tính cả rắn thực phẩm, rượu rắn, mỗi năm tổng thu nhập từ ngành này khoảng 150 tỷ đồng, chiếm 70%-75% tổng doanh thu toàn xã. Nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn thực sự là mũi nhọn kinh tế, phá thế sản xuất thuần nông, giúp nhiều người có cơ hội kinh doanh, làm giàu.
Không chỉ làng nghề mộc Thanh Lãng, làng nghề rắn Vĩnh Sơn, 25 làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn cho thu nhập bình quân của mỗi lao động đạt từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng, những lao động có tay nghề cao ở các nghề mộc, chế tác đá có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời và mang tính đặc trưng như: Mộc Thanh Lãng, gốm Hương Canh, rèn Lý Nhân, đá Hải Lựu, rắn Vĩnh Sơn… Một số làng nghề đã có sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài chủ yếu là các thị trường: Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan, Liên bang Nga, Hàn Quốc; chủ yếu là sản phẩm nông thôn và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: Rắn, đá, gốm. Tuy nhiên, số lượng còn ít, không đáng kể.
Hiện du lịch làng nghề đang trở thành xu hướng trong phát triển du lịch, được coi là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, xây dựng nên các thương hiệu du lịch. Với tiềm năng rộng mở, thời gian gần đây, một số làng nghề trên địa bàn bước đầu tìm hướng đi gắn với du lịch, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch làng nghề.
Hiệu quả chưa tương xứng
Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ của nghệ nhân Dương Văn Hoạt, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên đúng dịp cơ sở sản xuất của anh đang nhận truyền nghề cho gần 20 lao động. Bận rộn với nghề và dành nhiều thời gian cho ra đời những sản phẩm mộc mỹ nghệ đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường khó tính, nhưng từ năm 2013 đến nay, nghệ nhân Dương Văn Hoạt liên tục tham gia các lớp truyền nghề, với mong muốn truyền đạt những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong nghề cho các thế hệ sau. Anh Hoạt cho biết, nghề mộc là nghề cha ông để lại, như đã ăn sâu vào máu thịt, vốn thích chạm khắc, năm 1990, anh bắt đầu theo mộc mỹ nghệ. Với nghề này, ngoài năng khiếu, tính cẩn thận, tỉ mỉ thì sự sáng tạo, linh hoạt, luôn đổi mới và điều quan trọng là phải yêu nghề mới đáp ứng được sự khắt khe của khách hàng, nhất là những khách hàng khó tính. Mỗi năm, anh cho ra đời khoảng 80 tác phẩm tranh gỗ, trong đó có từ 5-10 tác phẩm mới. Tranh của anh có đủ các chủ đề: Điển tích, nhân vật, phong cảnh, lịch sử. Với lòng yêu nghề, biết kết hợp giữa hiện đại và cổ điển, luôn thay đổi mẫu mã, tranh của anh được nhiều người biết đến, đứng vững trên thị trường và được giới chuyên gia đánh giá cao. Tranh gỗ của anh từng được bình chọn trong tốp những bức tranh tiêu biểu tại Hội chợ hàng thủ công, công nghiệp các tỉnh phía Bắc.
Anh Hoạt cho biết, nghề mộc là nghề chính nuôi sống cả gia đình anh. Hiện vợ và con trai anh đang theo nghề này. Anh đang muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm những đồ lưu niệm nhỏ để phục vụ mọi đối tượng người dân, có thể là khách du lịch nhằm quảng bá tay nghề, sản phẩm, để nhiều khách thập phương biết đến. Tuy nhiên, điều này cần có định hướng và sự đầu tư, hỗ trợ của chính quyền các cấp.
Với gần 20.000 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thu hút trên 54.300 lao động, tuy nhiên, đa phần các làng nghề vẫn ít được biết đến, chưa nói đến du khách từ các tỉnh ngoài. Mới chỉ có một số ít sản phẩm của làng nghề bước đầu được du khách biết đến như: Đá Hải Lựu, mộc Thanh Lãng, rắn Vĩnh Sơn, gốm Hương Canh; phần lớn do các chủ hàng quán ven đường hoặc tại điểm du lịch giới thiệu đến du khách, chưa có tour du lịch đưa khách đến tham quan làng nghề sản xuất. Đa số các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ. Đó cũng là lý do khiến sản phẩm làng nghề của Vĩnh Phúc tuy nhiều nhưng chưa có sản phẩm mang thương hiệu vùng hoặc quốc gia. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực du lịch tại các làng nghề còn yếu kém, hoạt động giúp du khách trải nghiệm chưa được quan tâm, đầu tư nên chưa tạo được sức hút. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường còn phổ biến tại nhiều làng nghề nên khó có thể gắn kết với phát triển du lịch.
Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017, toàn tỉnh ước đón hơn 4,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 31.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt 1,42 nghìn tỷ đồng. Thời gian gần đây, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch làng nghề, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch. Phấn đấu vào năm 2020 tỉnh đón từ 4,3-4,5 triệu lượt khách nội địa, trên 150.000 lượt khách quốc tế, tạo việc làm cho khoảng 25,5 nghìn lao động, trong đó, có 8,5 nghìn lao động chuyên môn. Để hoàn thành mục tiêu trên, Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng du lịch; ưu tiên phát triển các dịch vụ du lịch mới có chất lượng cao, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Ngoài các loại hình du lịch truyền thống, việc phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch làng nghề cần được quan tâm hơn nữa.
Giải pháp để du lịch và làng nghề phát triển
Đến nay, các sản phẩm của làng nghề rắn Vĩnh Sơn không chỉ được đông đảo người dân trong nước mà cả những Việt Kiều trên thế giới biết đến và tin tưởng. Do vậy, việc phát triển làng nghề rắn gắn với du lịch đang là hướng đi mới được huyện huy động các giải pháp đầu tư, đẩy mạnh. Với sự gắn kết này, du khách tới xã Vĩnh Sơn sẽ được tham quan quá trình nuôi rắn, chế biến rượu rắn, thưởng thức các món ăn từ rắn. Để Dự án xây dựng vùng Vĩnh Sơn thành “Làng nghề chăn nuôi rắn - du lịch - dịch vụ” sớm được triển khai và đi vào hoạt động, thời gian qua, huyện Vĩnh Tường đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm làng nghề. Đồng thời, có cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển làng nghề. Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đưa các hộ làm nghề ra khu sản xuất tập trung, tạo điều kiện phát triển kinh doanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại. Ông Nguyễn Bình Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết: “Thời gian tiếp theo, huyện tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư cho phát triển làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn Vĩnh Sơn; tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng với mục tiêu đưa các hộ làm nghề vào cụm công nghiệp làng nghề đã được quy hoạch để phát triển sản xuất kinh doanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch.”
Phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch, du khách sẽ có nhiều điểm đến thú vị, hấp dẫn; không những làm phong phú thêm loại hình du lịch ở địa phương mà còn làm cho những sản phẩm thủ công truyền thống trở thành vật lưu niệm, từ đó tạo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề; tạo động lực để các làng nghề phát triển.
Để làm được điều này, trước mắt, chính quyền các cấp cần chủ động thành lập các trung tâm phát triển làng nghề, tổ chức lại sản xuất, tư vấn phát triển làng nghề truyền thống. Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng dự án phát triển du lịch làng nghề theo hướng mở các lớp hướng dẫn, tập huấn, truyền nghề, tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm và có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho du lịch, làng nghề. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành liên quan: Công thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển làng nghề nông thôn, xây dựng các cửa hàng bán đồ lưu niệm ngay tại làng nghề để phục vụ du khách.
Tuy nhiên, một trong những nhân tố quan trọng nhất để phát triển các làng nghề gắn du lịch chính là kinh phí. Theo đa số các địa phương phát triển làng, tại các làng nghề vẫn đang thiếu nhiều yếu tố để có thể thu hút được du khách như: Hạ tầng cơ sở, bãi đỗ xe, nơi giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm, hướng dẫn viên, cơ sở sản xuất cho khách tham quan và trải nghiệm… Bởi vậy, tỉnh cần ưu tiên các nguồn lực nhất định để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch gắn với làng nghề; xây dựng, hình thành nên những làng nghề tập trung, có không gian để trình diễn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, cần có sự chủ động từ phía các địa phương hoạt động làng nghề, các hội, hiệp hội làng nghề trong việc định hướng sản xuất, tìm kiếm thêm thị trường, đấu nối với các doanh nghiệp du lịch tổ chức các tour đưa du khách đến với các làng nghề.
ST