Cập nhật: 04/12/2017 14:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lời hứa với Quyền

Điểm đảo Tốc Tan A đêm cận tết. Lưu Văn Quyền, cậu sĩ quan trẻ người thấp, nghiêng ấm vào chén trà, rồi giục: “Uống đi anh, trà có mùi quê mẹ”. Chén trà đang không màu không mùi không vị, sau câu nói đó tự dưng như thơm và ấm vô cùng. Đêm giữa đại dương vẫn có sương, sương muối hẳn hoi, nhưng rõ ràng, vị đậm của trà lúc này không phải do sương muối.

“Sự tích” cân trà, theo Quyền bắt nguồn từ chuyện nó đã nằm trong kho đơn vị không dưới 7 tháng. Hay tin có tàu ra đảo, từ Phú Thọ, bố của Quyền vội gửi trà về Cam Ranh (Khánh Hoà) nhưng không kịp. Tàu đi rồi, trà nằm lại trong kho. Bảy tháng chờ, vị trà bay mất, hương cũng trôi theo, riêng “mùi quê mẹ” thì vẫn còn mãi. Quyền lý luận thế, tuy không khách quan, nhưng ám ảnh bởi cái nặng tình.

Quyền quý cân trà, mỗi ấm, cậu chỉ bốc một nhúm nhỏ đủ đọng trên đầu năm ngón tay rồi buộc chặt miệng túi như sợ “mùi quê mẹ” bay mất. “Gửi trà ra đây chắc cụ nhớ. Sáng nào hai bố con cũng uống nước với nhau …”, Quyền đột nhiên bỏ dở câu nói, nhìn xuống đất. Lính đảo không biết khóc. Giữa mênh mông sóng nước, cái im lặng đột ngột cũng đủ thấy chơi vơi.

Biết Quyền nhớ nhà, tôi hứa sẽ chụp cho Quyền hai tấm ảnh, một tấm gửi về để bố đỡ nhớ, một tấm gửi giúp cho người yêu. Tôi chưa dứt câu, Quyền đã túm lấy tay như sợ chạy mất “nhớ nhớ, nhớ nhé! Anh đi ngủ, ngày mai nhớ chụp cho em !”. Hôm sau, Quyền mặc bộ quân phục hải quân, tay cầm cuốn sổ tựa vào lan can nhà lục giác, lấy biển làm phông. Quyền giục: “Chụp đi anh! Tấm này em gửi người yêu. Quyển sổ trong tay là nhật ký”. Xong tấm thứ nhất, Quỳnh lột áo ngoài,  trên người độc chỉ còn cái áo ba lỗ.“Tấm này gửi cho bố. Thấy người to khoẻ, bố em sẽ yên tâm”. Hai tấm ảnh, hai chủ đích, rất lính và rất rạch ròi .

Nỗi khổ tâm của tôi

Chụp cho Quyền vừa xong, tôi đã bị mấy anh lính trên đảo vây lại. Anh nào cũng muốn được chụp ảnh, cũng muốn nhờ gửi ảnh về quê cho bố mẹ, vợ, người yêu, và cho cả những cô bạn vừa quen qua hòm thư người lính… Để chắc chắn, có anh còn thuyết phục rằng: “Nhà báo đến đâu cũng chụp ảnh đánh dấu nơi đã đi qua. Bọn mình ở đây, nếu nhà báo không chụp thì sau này không có cái gì để khoe với con cháu hết”, nghe rất có lý.

Tôi vừa chụp hết một lượt cũng là lúc trưởng đoàn gọi lên canô, rời đảo ra tàu, chuẩn bị sang thăm đảo khác. Lúc này, cả tôi và mấy anh lính đảo mới sực nhớ là chưa ai đưa địa chỉ người nhận. Mọi người cuống cuồng, có anh nhanh chân chạy vào nhà lấy vội tờ giấy, viết vội tên người nhận rồi lội theo, thả vào ca nô. Có anh không kịp, chỉ biết đứng ở cầu tàu, đưa tay lên miệng làm loa rồi hét thi với sóng biển. Quyền của tôi cũng thế. Cậu bì bõm lội theo canô, vừa lội vừa la hét. Gió thổi ngược chiều…

Lên đến tàu, tôi đổ ảnh vào máy tính. Những anh lính đảo đều cười thật đẹp. Có anh làm dáng, có anh rất tự tin, có anh cố nhìn lệch sang hướng khác để giấu đôi mắt ướt. Lúc chụp, ai cũng nghĩ ảnh sẽ được gửi về gia đình.

Nhưng tôi quá tệ. Ở trên đảo cả đêm mà không nhớ hết tên, mặt của các chàng lính đảo. Hoặc may, biết tên anh này nhưng tôi lại không biết người nhận là ai trong số địa chỉ vừa nhét vội vào túi. Một vài người trò chuyện lâu trên đảo, may ra tôi còn nhớ được quê để ráp vào. Còn như mấy anh mặc áo thun, không có bảng tên, dù biết là có gửi địa chỉ đấy nhưng chẳng biết nên lắp ghép làm sao cho đúng. Làm quấy quá, không khéo lại “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Một đồng nghiệp đi cùng sau hồi loay hoay cũng nghĩ ra được một cách. Đấy là phóng to hình, đọc bảng tên trên quân phục rồi dò với họ tên người nhận trên giấy. Nếu trùng họ thì… có thể đúng. Nhưng cách này cũng không ổn. Ví dụ đảo có ba anh họ Nguyễn đều gửi cho ba ông bố cũng họ Nguyễn, hoặc như, chồng họ Nguyễn, gửi cho vợ họ Trần…, đúng là không biết thế nào mà lần.

Đảo ở lại một đêm còn thế, huống gì những hòn đảo chúng tôi chỉ được “quá cảnh” từ 1- 2 giờ đồng hồ. Chiến sĩ Lại Xuân Hạnh, đảo Núi Le kể: “Có lần em nhờ một nhà báo chụp ảnh gửi ảnh về quê. Không biết gửi thế nào, vợ em lại nhận được ảnh ông Giang ở đảo Phan Vinh. May là nhà gần, hai bà biết nhau nên nhờ vậy, vợ Giang được thấy mặt chồng. Còn vợ em thì mừng, hy vọng để rồi… thất vọng. Mà không khéo, ở đảo 18 tháng, đến ngày về đất liền em cũng không có tấm ảnh nào để lưu niệm”.

Cậu tân binh ở đảo nghe chuyện cũng thỏ thẻ: “Lần trước có nhà báo hứa gửi ảnh giúp làm em mừng, gọi cho mẹ ở quê chuẩn bị xem ảnh con trai. Vậy mà không gửi, làm mẹ em chờ mãi”.

Và một điều ước rất nhỏ

Nói thế thôi, trong số hơn 100 tấm ảnh chụp bộ đội ở quần đảo Trường Sa cách đây 2 năm, “nhờ trời” tôi cũng chuyển về đúng địa chỉ hơn 30 tấm. Trong số này có hai địa chỉ ở Huế, tôi mang đến tận nhà.

Vợ anh Đề, sĩ quan cơ yếu đảo Tốc Tan A vừa thấy ảnh chồng liền hét ầm lên. Giáp tết, mứt món bày khắp nhà nhưng chị bỏ mặc. Hai đứa con của anh chị cũng nhảy nhót, reo hò chuyền nhau mấy tấm ảnh của bố rồi xuýt xoa “bố đen”, “bố béo”, “áo bố cũ”, “mắt bố nhìn đâu đâu”. Chị vợ anh còn bốc điện thoại, gọi mời mẹ chồng ở tận Thanh Hoá về Huế để “xem mặt chồng con”… Cả gia đình chị mãi vui, mãi xem ảnh để rồi quên mất ông “bưu tá” đang chứng kiến cảnh “tết sớm” trong đất liền.

Riêng nhà anh Thanh, đảo Phan Vinh lúc tôi đến thì vợ anh đi vắng, buộc phải chuồi ảnh qua khe cửa. Tối về thấy ảnh, chị gọi điện cho chồng. Đến nửa đêm tôi nghe điện thoại anh, sau đó là cuộc gọi của chị. Chồng xa nhà cả năm, giọng nói của anh thì chị nghe được vì đã có điện thoại. Song vóc dáng, gầy yếu thế nào thì… chỉ nhìn ảnh mới biết. Chị hỏi tôi: “Ngoài nớ sướng hả em, chị thấy anh béo (mập) ra?”. Trời ạ, hỏi thế thì cả nước này cũng chịu, vì đã ai thấy ông Thanh của chị trước đây thế nào đâu. Nhưng thấy chị vui, tôi cũng gật: “Sướng, sướng lắm. Chị cứ nhìn ảnh là biết”!

Đó, niềm vui hậu phương- tiền tuyến là vậy. Chỉ một tấm ảnh kịp thời của người thân từ Trường Sa gửi về cũng đủ làm “hậu phương” vui hơn tết, và nỗi lo của “hậu phương” dành cho “tiền tuyến” cũng vơi đi ít nhiều. Vậy mà tôi kém quá. Nếu khá hơn, tôi đã chuyển “tết sớm” về hơn 100 gia đình.

Đợt này sắp tết, tới đây lại có tàu, có nhiều nhà báo ra đảo, chỉ mong ai đó đừng giống tôi. Và lâu dài, tôi ước mỗi đảo được “ai đó” trang bị cho một máy ảnh kỹ thuật số cùng hai chiếc thẻ nhớ để mỗi lần có tàu từ đất liền ra, anh em “tiền tuyến” chụp cho nhau một lượt rồi chuyển thẻ để tàu đưa về đơn vị phóng ra ảnh, gửi “hậu phương”. Lần sau tàu ra ta lại trả thẻ này đổi thẻ khác. Được thế, kiểu gì “hậu phương” cũng vui, kiểu gì “tiền phương” cũng sướng.

Nếu giấc mơ này được thực hiện mà “hậu phương”, “tiền tuyến” vẫn chưa thấy vui, chưa thấy sướng, lần tới đề nghị Vùng 4 Hải quân lại cho tôi ra đảo để được trả món nợ Trường Sa.

 

Theo DƯƠNG QUANG TIẾN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm