Nạn buôn bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đang diễn biến phức tạp. Nhận diện phương thức, thủ đoạn buôn lậu mới để xây dựng phương án đấu tranh hiệu quả là một trong những trọng tâm công tác của ngành hải quan những tháng cuối năm.
Cán bộ Cục Hải quan TP Hải Phòng thu giữ tang vật hơn 300 kg vẩy tê tê giấu trong hộp nhựa, lợi dụng quá cảnh để thẩm lậu vào Việt Nam.
Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn ngành hải quan đã bắt giữ bốn vụ buôn lậu ngà voi, 16 vụ buôn lậu sừng tê giác, tê tê và vẩy tê tê với quy mô lớn. Phó Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Khánh Quang cho biết, trên tuyến đường bộ, động vật hoang dã từ châu Phi và một số quốc gia, được đối tượng buôn lậu tìm cách vận chuyển về Lào, Cam-pu-chia, sau đó thẩm lậu vào Việt Nam qua đường bộ khu vực biên giới hoặc vận chuyển tiếp qua các đường mòn, đường tắt sang Trung Quốc tiêu thụ. Thủ đoạn gần đây được dùng nhiều là chia nhỏ, trà trộn động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã (như ngà voi, vẩy tê tê, xương hổ, rắn, rùa…) trong hàng hóa nông sản xuất, nhập khẩu đường tiểu ngạch hoặc giấu kín trong phương tiện vận tải được gia cố hầm vách rồi vận chuyển qua cửa khẩu, lối mở, đường mòn biên giới.
Trên tuyến đường biển, để đối phó lực lượng chức năng đối tượng thường lợi dụng việc tạo thuận lợi trong quy trình thủ tục hải quan điện tử và việc áp dụng quản lý rủi ro để khai báo sai tên hàng. Cụ thể: Khai báo động vật hoang dã là hàng thủy tinh, giấy cuộn, than củi, lạc nhân đóng bao, gỗ thường. Bên cạnh đó, chúng còn dùng chiêu chuyển tải tại cảng trung chuyển nước ngoài để tạo mới chứng từ, che giấu cảng xếp hàng gốc. Hàng hóa được chuyển tải qua nhiều tàu, vận chuyển qua nhiều cảng ở các nước khác nhau trước khi đến Việt Nam nhằm xóa dấu vết. Tên hàng trên chứng từ hoàn toàn giả mạo, khi bị phát hiện thì từ chối nhận hàng hoặc không khai báo làm thủ tục hải quan.
Tuyến hàng không nổi lên việc mua ngà voi, sừng tê giác tại các nước châu Phi, sau đó vận chuyển về Việt Nam hoặc từ Việt Nam đưa trái phép sang các nước lân cận. Hiện nay, đối tượng có dấu hiệu thay đổi phương thức, thủ đoạn khi một số vụ việc vi phạm được phát hiện lại có tuyến đường vận chuyển từ các nước ít bị nghi ngờ, từ những vùng không có động vật hoang dã. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã xác định các sân bay quốc tế: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất; Bưu điện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; điểm chuyển phát nhanh DHL, điểm chuyển phát nhanh quốc tế Fedex, vẫn là đích đến của hàng lậu.
Cơ quan hải quan đã đưa vào diện quản lý đặc biệt đối với các cá nhân, tổ chức gửi, nhận hàng bưu phẩm, bưu kiện qua đường bưu điện không rõ mục đích sử dụng, không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng ký gửi khi làm thủ tục hải quan hoặc thường xuyên nhận quà biếu với số lượng lớn, hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần không rõ mục đích. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu cũng được theo dõi chặt chẽ, bởi đã có hiện tượng doanh nghiệp móc nối với đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp để kết hợp tinh vi hoạt động buôn lậu. Thủ đoạn là lợi dụng việc phân luồng tự động hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để trà trộn hàng lậu vào lô hàng chuẩn bị thông quan. Hàng về đến sân bay, đối tượng buôn lậu móc nối với một số nhân viên có nhiệm vụ trong sân bay để tuồn hàng ra ngoài. Khi bị phát hiện, họ thường xé vé hàng ký gửi hoặc từ chối nhận hàng, do tên hàng khai báo trên vận đơn không cụ thể, cho nên gây khó khăn cho công tác điều tra, bắt giữ đối tượng. Đối với hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, các sản phẩm như ngà voi, sừng tê giác được bôi tỏi để đánh lừa máy soi và chia nhỏ, cất giấu ngụy trang trong hành lý xách tay hoặc bọc trong giấy bạc giấu vào bụng cá hồi đông lạnh và các hộp sữa bột.
Tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị và TP Hồ Chí Minh, đối tượng buôn lậu lợi dụng cả sự thông thoáng trong chính sách tạm nhập tái xuất, quá cảnh và việc gây nuôi, cấp phép theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) để kết hợp trà trộn, buôn lậu động vật hoang dã quý hiếm.
Tổng cục Hải quan đã sớm ban hành công văn yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tập trung triển khai lực lượng nắm chắc địa bàn, đối tượng, diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, tập trung công tác phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, các khu vực đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, kiên quyết không để hình thành các đường dây, ổ nhóm buôn lậu quy mô lớn. Việc trao đổi nguồn tin thường xuyên về tội phạm với hải quan các nước cũng được lưu ý, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ nhau trong công tác xác minh, điều tra. Phó Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Khánh Quang đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động gây nuôi các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, cần quản lý, kiểm tra chặt chẽ, tránh tạo sơ hở cho đối tượng buôn lậu lợi dụng hợp pháp hóa nguồn gốc các loài động vật hoang dã đã được mua, bán trái phép.
Theo VĨNH KHANG/nhandan.com.vn