Việt Nam đang được xem là một trong những nước có tỷ lệ lao động phi chính thức (PCT) cao nhất khu vực châu Á. Chiếm quy mô lớn tới gần 60% tổng số lao động, nhưng nhóm lao động này đang phải đối mặt với nhiều bất lợi khi không được bảo vệ bởi luật lao động và tiếp cận các chính sách an sinh xã hội. Việc nhận diện và thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi việc làm PCT sang chính thức, cũng như các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội đối với nhóm đối tượng này được coi là nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN.
Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động phi chính thức cao nhất khu vực châu Á. Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG KHOA
97,9% lao động phi chính thức không có BHXH
Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, theo định nghĩa của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc làm PCT, thì hiện Việt Nam có hơn 18 triệu lao động đang làm các công việc PCT (chiếm 57% tổng số việc làm phi nông nghiệp). Nếu tính cả 22 triệu lao động nông nghiệp thì tổng lao động PCT ở Việt Nam lên tới 40 triệu người. Việt Nam được xem là một trong những nước có tỷ lệ lao động PCT cao trong khu vực châu Á.
Theo Báo cáo lao động PCT tại Việt Nam của Tổng cục Thống kê, khoảng 60% lao động PCT tập trung ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác. Một trong những bất cập của lao động PCT là tỷ lệ qua đào tạo khá thấp (14,8%). Con số này thấp hơn mức chung của lao động có việc làm của toàn bộ nền kinh tế (5,7%), và thấp hơn so với lao động chính thức (17,4%). Trong số lao động phi nông nghiệp không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, lao động có việc làm PCT chiếm đến 71,9%.
Vụ trưởng Dân số và Điều tra Lao động (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết, phần lớn lao động PCT đang làm việc tại các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc làm tự do, ít chịu sự quản lý của Nhà nước, không đòi hỏi và yêu cầu về trình độ tay nghề người lao động không cao. Về vị thế làm việc và điều kiện làm việc của lao động PCT gồm hai nhóm chính là lao động tự làm và lao động gia đình. Trong đó, nữ giới làm việc trong các ngành, nghề dễ bị tổn thương cao hơn nam giới. Tiền lương tháng bình quân của lao động PCT thấp hơn lao động chính thức ở các vị thế việc làm. Nếu như lao động trong khu vực chính thức được nhận mức lương trung bình là 6,7 triệu đồng/tháng thì lao động PCT chỉ có 3,9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, những lao động làm công ăn lương PCT lại làm nhiều hơn hai giờ so với lao động làm công ăn lương chính thức và cao hơn số giờ làm việc theo quy định. Đáng chú ý, có đến 76,7% lao động PCT không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không được hưởng các chính sách về phúc lợi xã hội. Cụ thể, đến nay tỷ lệ người lao động PCT có BHXH bắt buộc chỉ chiếm 0,2% và đến 97,9% lao động PCT không có BHXH, chỉ khoảng 1,9% tham gia BHXH tự nguyện.
Cần các giải pháp hỗ trợ lao động phi chính thức
Theo đánh giá của Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, khu vực lao động PCT là vùng đệm, hấp thu lao động phi nông nghiệp, khu vực doanh nghiệp, tạo nên tính linh hoạt trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đây lại là nhóm lao động có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng, thời gian làm việc dài nhưng thu nhập lại thấp. Tiền lương bình quân của lao động PCT thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm. Điều này đòi hỏi cần có hệ thống chính sách hỗ trợ, tác động riêng cho từng nhóm đối tượng để chính thức hóa việc làm, tạo cơ hội việc làm bền vững, đồng thời phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để hỗ trợ nhóm đối tượng này tiếp cận với chính sách an sinh xã hội, hướng tới bình đẳng cho người lao động khu vực này.
Trao đổi về vấn đề này, TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Khoa học lao động - xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần tích cực hỗ trợ nhóm lao động dễ bị tổn thương này, giúp họ không phải chịu sự “bỏ quên” của chính sách. Trước hết, cần đẩy mạnh quá trình chính thức hóa việc làm khu vực PCT. Bên cạnh đó, cần tăng cường an sinh xã hội cho lao động PCT. Như, bảo đảm tính tuân thủ của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc ký hợp đồng lao động và đóng BHXH bắt buộc cho người lao động; khuyến khích và hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Thực tế cho thấy, những nỗ lực đưa chính sách BHXH đến khu vực PCT thời gian qua chưa thành công. Tính hết năm 2016, mới có hơn 203 nghìn lao động PCT tham gia BHXH tự nguyện. Những khó khăn trong việc mở rộng diện tham gia BHXH tự nguyện có nhiều nguyên nhân, như khả năng chi trả, thu nhập không ổn định, nhận thức… Do đó, Nhà nước cần thiết kế các chế độ bảo đảm công bằng với BHXH tự nguyện. Có thể xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí để người lao động PCT tham gia BHXH tự nguyện cũng như sự linh hoạt trong mức đóng, phương thức đóng; bổ sung các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động...; có chính sách đóng hưởng hợp lý đối với những lao động trung niên không đủ số năm đóng BHXH theo quy định...
Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung và vùng đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung nhiều lao động PCT nhất nước. Ngược lại, vùng trung du miền núi phía bắc và Tây Nguyên dân số ít và chủ yếu làm nông, lâm nghiệp cho nên tỷ trọng lao động PCT khá thấp. TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương có số lượng lao động PCT lớn, chiếm hơn 20% tổng số lao động PCT.
Theo khảo sát, 35,2% lao động PCT chưa tham gia BHXH tự nguyện mong muốn tham gia; 8,5% cho biết sẽ tham gia BHXH tự nguyện nếu có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định được cho là chưa hợp lý của chính sách. Tuy nhiên, 56,4% trả lời sẽ không tham gia BHXH tự nguyện, chủ yếu là các lao động trung niên có thu nhập thấp và chưa nhận thức được tầm quan trọng của chính sách BHXH...
Theo NGUYÊN KHANG/ nhandan.com.vn