Trong những năm qua, tỉnh chủ động lập quy hoạch, dành quỹ đất tạo điều kiện phát triển du lịch. Tuy nhiên để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án đầu tư du lịch triển khai đúng tiến độ.
Khu danh thắng Tây Thiên được đầu tư quy mô, bài bản để thu hút du khách.. Ảnh: Chu Kiều
Có nhiều danh lam thắng cảnh, vị trí địa lý thuận lợi, thế nhưng, sự phát triển của khu vực du lịch, dịch vụ của tỉnh trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Tỷ trọng dịch vụ du lịch trong cơ cấu kinh tế còn thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao, thiếu hấp dẫn; chưa có nhiều các tổ hợp dịch vụ chất lượng cao được đầu tư với quy mô lớn; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, nhất là tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Trước thực tế đó, để thúc đẩy phát triển ở khu vực dịch vụ, du lịch, tỉnh luôn chú trọng nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn đầu tư công, tập trung chủ yếu vào các hạng mục công trình như đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp, thoát nước. Trong giai đoạn từ 2011 - 2015, bằng nguồn ngân sách nhà nước tỉnh đầu tư hơn 300 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng trong các khu du lịch; chủ động trong công tác lập quy hoạch chi tiết các khu vực có tiềm năng, lợi thế du lịch, chủ động dành quỹ đất cho các dự án đầu tư du lịch để thu hút đầu tư.
Đến nay, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 3 khu du lịch dịch vụ trọng điểm của tỉnh là: Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu du lịch Tam Đảo I, Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu phía Tây – khu du lịch Đại Lải và Quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 khu Danh thắng Tây Thiên. Công tác lập dự án, quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Gần đây, một số công trình văn hóa trọng điểm như: Khu trung tâm văn hóa – lễ hội Tây Thiên, công trình Văn Miếu, Nhà hát, Khu công viên Quảng trường, Khu công viên Phía Nam được xây dựng và đưa vào hoạt động.
Đến nay, tỉnh thu hút 17 dự án đầu tư lớn và một số công trình đầu tư xã hội vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký trên 9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, một số dự án tiêu biểu đã đi vào hoạt động như dự án cáp treo Tây Thiên của Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng; dự án Flamingo Đại Lải giai đoạn 1, dự án FLC Luxury Resort giai đoạn 1.
Ngoài ra, giai đoạn 2 của các dự án kể trên, cùng một số các dự án khác đang tích cực được triển khai. Trong đó, Dự án Tam Đảo II của tập đoàn SunGroup với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là gần 3 nghìn tỷ đồng dự kiến hoàn thành trong năm 2019, chuỗi dự án của công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng vào khu du lịch Tam Đảo I dự kiến hoàn thành trước năm 2020 và Dự án Flamingo Đại Lải giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,5 nghìn tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Hiện nay, tỉnh đang vận động để thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các Khu đô thị kết hợp với du lịch, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí quy mô lớn với giá trị đầu tư cam kết của các nhà đầu tư như: 1,1 tỷ USD đối với dự án Khu đô thị sinh thái Vĩnh Thịnh An Tường, 1 tỷ USD đối với dự án Tam Đảo II; 1,44 tỷ USD đối với dự án trường đua ngựa quốc tế. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, các dự án này sẽ có tác động mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch, dịch vụ, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về du lịch của cả nước.
Để tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, nhân lực, cũng như hạn chế trong cơ chế chính sách về phát triển dịch vụ du lịch, tạo điều kiện thúc đẩy thu hút đầu tư cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tháng 9/2016, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về khuyến khích đầu tư các dự án dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 -2021.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình hành động của Chính phủ và kế hoạch hành động của Bộ VH-TT&DL thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được tổ chức gần đây, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch căn cứ vào những giải pháp cụ thể trong nghị quyết, tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết. Theo đó, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết cần đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành rà soát lại chính sách về thuế, tiền thuê đất, các chính sách khác áp dụng cho các dự án đầu tư về du lịch; bố trí ngân sách phù hợp, cân đối về nguồn lực, có cơ chế thu hút các nhà đầu tư chiến lược; lên kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh; xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng du lịch;phấn đấu đến năm 2020, du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu chung của tỉnh.
Sưu tầm