Cập nhật: 14/12/2017 14:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng -Thủy văn T.Ư, từ ngày 16-12, một đợt không khí lạnh cường độ mạnh sẽ tăng cường xuống các tỉnh miền bắc nước ta và còn được bổ sung thêm vào những ngày sau đó.

Đây được đánh giá là đợt không khí lạnh mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay và sẽ làm nhiệt độ khu vực Bắc Bộ giảm mạnh, xuất hiện rét đậm, rét hại, nhiệt độ giảm sâu về đêm và sáng sớm. Nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng, trong đó có Thủ đô Hà Nội và trung du ở mức từ 8 đến 110C (mức nhiệt thấp nhất kể từ đầu mùa đến nay); vùng núi nhiệt độ thấp hơn khoảng 2 đến 30C, trong đó, những nơi có địa hình núi cao như trên đỉnh Phan Xi Păng, Sa Pa, Mẫu Sơn, Sìn Hồ… nhiệt độ có thể chỉ ở mức 1 đến 30C, có nơi có khả năng xuất hiện băng giá.

Thực tế gần đây đã cho thấy, đợt rét lạnh kéo dài ở Bắc Bộ vào đầu năm 2016 đã gây hậu quả nặng nề với sản xuất nông nghiệp: ở các tỉnh miền núi phía bắc có hơn 12 nghìn con gia súc (chủ yếu trâu, bò) chết rét, hàng nghìn héc-ta cây trồng bị ảnh hưởng, hư hại. Tổng thiệt hại ước tính hơn 200 tỷ đồng.

Mặc dù trước và ngay khi xuất hiện rét đậm, rét hại, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các cấp ở địa phương miền núi phía bắc đã có công điện chỉ đạo các biện pháp phòng, chống rét cho người, cho đàn gia súc, gia cầm và cây trồng. Song, thực tế hiệu quả của việc chỉ đạo các biện pháp phòng, chống rét của các cơ quan chức năng tại các địa phương còn thấp; ban hành văn bản xong thiếu kiểm tra, giám sát. Trong khi đó, người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu nuôi thả gia súc trên rừng hoặc trong vườn đồi gia đình; thiếu thông tin, còn chủ quan với thời tiết và chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cơ quan chức năng trong triển khai các biện pháp phòng, chống rét. Trong đợt rét đầu năm 2016, thiệt hại do rét đậm, rét hại Điện Biên, Yên Bái, Cao Bằng khá nặng nề do bất ngờ và bị động trước diễn biến bất thường của thời tiết.

Để nâng cao hiệu quả việc phòng, chống rét cho sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc hỗ trợ, chỉ đạo nông dân triển khai quyết liệt các giải pháp như nhốt đàn gia súc về nơi tập trung, che chắn chuồng trại, tăng lượng thức ăn dự trữ, thì tuyên truyền cần được coi là một trong những giải pháp quan trọng. Theo đó, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng như ngành khuyến nông, chăn nuôi cần tăng cường cán bộ bám sát cơ sở, động viên, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các giải pháp tránh rét cho cây trồng, vật nuôi, không chủ quan với thời tiết bất thường.

Theo ANH BẰNG /nhandan.com.vn

Tệp đính kèm