Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Tokyo, Nhật Bản đã phát triển một loại kính tự phục hồi mới có khả năng hàn gắn các vết nứt lại với nhau chỉ trong thời gian ngắn.
Ảnh minh họa
Trong quá trình nghiên cứu một loại hợp chất kết dính, Yu Yanagisawa - một sinh viên thuộc Khoa Hóa học và Công nghệ sinh học của Đại học Tokyo - đã tình cờ phát hiện loại kính có khả năng tự phục hồi lại sau khi bị cắt chỉ trong vòng 30 giây ở nhiệt độ phòng. Yu cũng đã thực hiện một loạt thí nghiệm tiếp theo để xác nhận khả năng tự chữa lành của loại kính này.
Theo nhóm nghiên cứu, sở dĩ loại kính này có thể tự phục hồi là nhờ vào một polymer có trọng lượng nhẹ có tên gọi là “polyether-thiourea”- được sử dụng như một hợp chất để tăng khả năng liên kết hydro trong vật liệu khi chúng bị cắt hay vỡ vụn.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tạo ra vật liệu tự phục hồi giống như thế này. Điều khác biệt là loại polymer mới có cấu trúc vững chắc như thủy tinh và khả năng tự phục hồi của chúng thường không có trong các hợp chất kỹ thuật.
Một điểm nữa khiến loại kính mới trở nên độc đáo chính là kính vỡ có thể dính lại với nhau ở nhiệt độ phòng, trong khi các vật liệu tự phục hồi khác phải được nung nóng lên thì mới có thể liên kết lại được với nhau. Thêm vào đó, quá trình phục hồi của vật liệu cũng nhanh hơn tất cả những vật liệu tương tự được phát triển từ trước đến nay.
Đầu năm nay, một nhà nghiên cứu ở California cũng đã giới thiệu một hợp chất thay thế cho những tấm kính màn hình điện thoại mỏng manh. Nhưng loại vật liệu này phải mất cả một ngày để trở về trạng thái lành lặn ban đầu sau khi vỡ.
Loại kính này có thể được ứng dụng để sản xuất màn hình điện thoại. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng đây là loại kính thân thiện với môi trường bởi với khả năng tự lành của nó, người dùng sẽ không phải vứt bỏ khi kính bị vỡ.
Lâm Hoàng
Theo chinhphu.vn