Trước những biến đổi về môi trường diễn xướng, nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền Việt Nam đang đứng trước thách thức, mai một.
Cần những cách thức phù hợp để các giá trị âm nhạc truyền thống tiếp tục đồng hành trong đời sống hiện đại.
Nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền không còn môi sinh diễn xướng
Âm nhạc cổ truyền các dân tộc Việt Nam là kho tàng văn hóa đồ sộ, phong phú. Không chỉ là bản sắc văn hóa của đất nước, kho tàng này là sự đúc kết trải dài hàng chục thế kỷ, hình thành theo tiến trình phát triển của từng dân tộc. GS, TS Tô Ngọc Thanh ví von rằng, ngay từ trong bụng mẹ, chúng ta đã tiếp cận với âm nhạc văn hóa dân gian qua những câu hát ru của mẹ. Âm nhạc cứ thế lần theo từng năm tháng của đời người, thậm chí đến cả khi trở về với thế giới bên kia thì âm nhạc cũng tiễn đưa với nhạc hiếu, lễ bỏ mả... Ở khía cạnh nào đó, âm nhạc phản ánh trình độ phát triển cũng như nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hóa của các dân tộc sở hữu nó. Việc bảo tồn âm nhạc cổ truyền, vì thế, là việc làm có ý nghĩa quan trọng để bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, của đất nước.
Thế nhưng, trước sự phát triển về nhiều mặt trong đời sống xã hội, nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam đã và đang đứng trước nhiều thách thức bị mai một, biến mất. Trước hết là nguy cơ không còn môi sinh, môi trường diễn xướng. Đơn cử như dân ca Hò kéo gỗ rất đặc sắc của người dân huyện Lệ Thủy, Quảng Bình gần đây dường như không còn tồn tại vì nghề khai thác lâm nghiệp ở nơi đây không còn hoạt động. Đó là chưa kể nhiều thể loại âm nhạc gắn với sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng cũng mất đi ở nhiều nơi, ở nhiều dân tộc bởi cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và tri thức con người, tâm lý sùng bái, cầu viện các thế lực thiên nhiên, thần thánh ít nhiều đã vơi giảm trong tư duy của người dân.
Không còn môi trường và không gian diễn xướng, nhiều loại hình dân ca, dân nhạc dần mất đi như một điều tất yếu. Có thể kể đến như loại hình Hát ống, sử dụng hai chiếc ống nối với nhau làm công cụ chuyển tải âm thanh của dân tộc Mông ở Sơn La ngày nay dễ dàng bị thay thế bởi điện thoại di động… Hò sông Mã ở Thanh Hóa hiện cũng không còn mấy ai hát được hay Ví đò đưa trong Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh cũng gần như biến mất bởi người dân nơi đây gần như không còn làm nghề chèo đò như xưa… Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhìn nhận: “Thay đổi quy cách sản xuất, tổ chức sản xuất, phương tiện sống, ý thức, nhận thức, thưởng thức nghệ thuật… tất cả đều thay đổi. Đó là những cơn bão mạnh không chỉ làm nghiêng ngả, thậm chí xô đổ nhiều di sản văn hóa nghệ thuật phi vật thể quý giá mà còn làm nghiêng ngả, xô đổ cả thói quen thưởng thức, trình diễn nghệ thuật cổ truyền trong dân chúng, đặc biệt là lớp trẻ”.
Mở lối tìm đường
Không thể phủ nhận, công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, âm nhạc của dân tộc những năm qua đã có những thành tựu nhất định. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh, trong đó có nhiều loại hình âm nhạc như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của người Ê Đê, Gia Rai… hay Hát Xoan Phú Thọ vừa được UNESCO rút khỏi danh mục cần được bảo vệ khẩn cấp chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… Công tác sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc cổ truyền được tiến hành bền bỉ và liên tục trên cả nước. Nhiều tư liệu, hình ảnh, văn bản... cũng đã được tư liệu, số hóa để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn...
Dù vậy, trước những thách thức mới, hơn bao giờ hết cần tìm ra một giải pháp mang tính khoa học, bài bản để có chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc cổ truyền các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh mới. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc cổ truyền Việt Nam cũng cần có tính định hướng, chọn lọc bởi không thể bảo tồn một cách dàn trải theo kiểu mặt trận.
PGS, TS Kiều Trung Sơn, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tư duy áp đặt trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc các dân tộc thiểu số Việt Nam là do các nhà nghiên cứu hay quản lý, tổ chức sự kiện văn hóa chưa nhìn nhận đúng về đối tượng cần tiếp cận. Chính vì thế, một trong những giải pháp quan trọng được PGS, TS Kiều Trung Sơn kiến giải là: “Âm nhạc các dân tộc thiểu số không phải là âm nhạc hàn lâm, không nên lấy lý thuyết âm nhạc hàn lâm làm khuôn mẫu để mô tả, soi chiếu và đánh giá; tức là không nên nhìn nhận âm nhạc các dân tộc thiểu số tương tự như nhìn nhận âm nhạc hàn lâm”. Việc thử nghiệm, ứng dụng những phương thức bảo tồn, quảng bá các giá trị âm nhạc cổ truyền các dân tộc cũng cần phải có những bước đi mới. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã thử nghiệm đưa lên Youtube một số video trích đoạn lễ Then của các thầy Then Bế Sơn Chung ở Cao Bằng, Hoàng Đức Dục ở Bắc Cạn và Chu Thị Hồng Vân ở Bắc Giang... đã có kết quả bất ngờ với 5.165 lượt người xem.
Theo Phúc Nghệ/nhandan.com.vn