Cập nhật: 03/01/2018 14:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tình hình thế giới 2017 có rất nhiều biến động phức tạp với các điểm nóng địa - chính trị, từ sự bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ không theo khuôn mẫu, dẫn tới sự thay đổi vai trò của Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế và nhiều cuộc khủng hoảng.

Tỷ phú Donald Trump tuyên thệ trở thành tổng thống đời 45 của Mỹ tại lễ nhậm chức tổ chức ở thủ đô Washington ngày 20/1 - Ảnh: AP

Trong tháng đầu của năm 2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Trong năm cầm quyền đầu tiên, thực hiện khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những quyết định mang tính đảo ngược đối với hàng loạt chính sách kinh tế, ngoại giao quan trọng, điển hình là việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về ứng phó biến đổi khí hậu, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO); cắt giảm 1/3 chi tiêu ngoại giao và các khoản viện trợ quốc tế; siết chặt kiểm soát nhập cư... Chiến lược An ninh quốc gia mới, được Tổng thống Trump công bố ngày 18/12, cũng thể hiện rõ chính sách đơn phương và đề cao lợi ích quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, khái niệm địa chính trị “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được chính quyền đương nhiệm Mỹ sử dụng đã phản ánh một tầm nhìn chiến lược mới theo hướng liên kết rộng hơn.

Ở bên kia Thái Bình Dương, quốc gia đông dân nhất thế giới cũng chứng kiến sự ra mắt của ban lãnh đạo mới. Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra tháng 10/2017 tiếp tục bổ nhiệm ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, ghi tên ông và “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” vào Điều lệ Đảng.

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc được hãng tin Tân Hoa Xã nhận định là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước. Đại hội đã đề ra đường hướng cũng như lộ trình cụ thể cho những quy hoạch chiến lược trong vòng 30 năm tới của Trung Quốc với mục tiêu xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp; đóng góp lớn hơn vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Trong năm 2017, Trung Đông cũng nổi lên trở thành điểm nóng với một loạt sự kiện như Saudi Arabia và các đồng minh Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.  Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở vùng Vịnh trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó là tình hình bất ổn tại Syria, cuộc nội chiến Yemen và xung đột giữa Israel - Palestine.

Vào thời điểm cuối năm, tình hình khu vực này lại được “đổ thêm dầu” khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel. Quyết định ngày 6/12 của Tổng thống Mỹ đã khiến dư luận thế giới lo ngại. Đây được coi là bước đi nguy hiểm không chỉ đe dọa hủy hoại tiến trình hòa đàm Trung Đông, mà còn làm bùng phát làn sóng bạo lực mới giữa người Palestine và Israel, giữa cộng đồng Do Thái và Arab, đẩy Trung Đông vào giai đoạn hỗn loạn mới, đe dọa an ninh và ổn định của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, bức tranh khu vực này cũng có những điểm sáng, nổi lên là cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria và Iraq, với sự can dự mạnh mẽ của Nga và liên quân quốc tế, đã giành được những thắng lợi quan trọng. Sau hàng loạt chiến dịch trong năm 2017, quân đội Nga tuyên bố đã đẩy lùi hoàn toàn IS khỏi các vùng lãnh thổ của Syria. Tại Iraq, IS đã bị đánh bật ra khỏi mọi cứ địa quan trọng mà tổ chức này chiếm giữ suốt hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, hiểm họa IS chưa kết thúc khi tư tưởng cực đoan bạo lực tiếp tục được truyền bá và IS đang tìm cách đặt các căn cứ mới, sử dụng các biện pháp tấn công khủng bố mới. Các chuyên gia cảnh báo các cuộc tấn công khủng bố vẫn là mối đe dọa thường trực đối với toàn thế giới.

Trong năm 2017, có 1.097 cuộc tấn công trên toàn thế giới, cướp đi sinh mạng của 7.456 người. Ảnh: Người đàn ông vừa khóc vừa bế con gái chạy khỏi khu vực do IS chiếm đóng ở Mosul, Iraq, nguồn: Reuters

Theo Newsweek, có 1.097 cuộc tấn công trên toàn thế giới, cướp đi sinh mạng của 7.456 người trong năm 2017. Riêng ngày đầu năm 2017 xảy ra 5 vụ khủng bố, trong đó IS xả súng tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) khiến 39 người chết. Cuộc tấn công đẫm máu nhất năm 2017 xảy ra hồi tháng 10, khi một tay súng Al-Shabaab kích nổ bom xe tải lớn ở Mogadishu (Somalia), giết chết 512 người và làm bị thương nhiều người khác. Các cuộc tấn công khủng bố cũng xảy ra ở nhiều thành phố khác trên toàn cầu: Manchester (Anh), Manhattan (New York, Mỹ), La Rambla (Barcelona, Tây Ban Nha), nhà thờ Hồi giáo ở Sinai (Ai Cập)…

Tại châu Á, tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục tăng nhiệt khi Bình Nhưỡng tiếp tục các vụ thử tên lửa đạn đạo, đặc biệt vụ thử hạt nhân thứ 6 được nhận định là có sức công phá mạnh nhất của quốc gia Đông Bắc Á vào tháng 9. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2375 gia tăng các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên một cách hòa bình, bằng các phương thức ngoại giao và chính trị. Mỹ cũng đã liệt Triều Tiên vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố và đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, tại nước láng giềng Hàn Quốc, chính trường chứng kiến vụ bê bối liên quan đến bà Park Geun-hye khi bà trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất.  Kể từ cuối tháng 3, bà đã bị giam giữ gần thủ đô Seoul và các phiên xét xử vẫn đang tiếp tục.

Tại châu Âu, sự kiện đáng chú ý là sự suy yếu quyền lực chính trị của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng người di cư, suy thoái kinh tế, tình trạng chia rẽ trong xã hội và phân cực chính trị ngày càng trở nên rõ nét hơn. Người dân đã dần mất lòng tin vào các đảng phái truyền thống chính.

Bước tiếp theo sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử năm 2016, Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, chính thức bắt đầu khởi động quá trình Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 3. Tiến trình đàm phán giữa Anh và EU để đi tới các điều khoản tách khỏi liên minh và thiết lập quan hệ trong tương lai giữa hai bên vẫn đang tiếp tục được triển khai.

Năm 2017 chứng kiến cuộc khủng hoảng khác ở châu Âu khi Catalonia đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha. Chính quyền Madrid sa thải các lãnh đạo ly khai, giải tán nghị viện đồng thời kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử Nghị viện vùng mới. Nhiều lãnh đạo ly khai lưu vong ở nước ngoài, nhiều người bị bắt giữ. Tuy nhiên, cuộc bầu cử hồi tháng 12 cho thấy thắng lợi tiếp tục thuộc về phe ly khai.

Chính trường châu Âu cũng chứng kiến sự thay đổi lớn. Sau 2 vòng bầu cử hồi đầu tháng 5, ông Emmanuel Macron – theo đường lối ôn hòa và mới tham gia chính trường – đã trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp sau khi giành thắng lợi áp đảo trước bà Marine Le Pen, thuộc phe cực hữu.

Chiến thắng của ông Macron đã đánh dấu lần thứ ba trong vòng 6 tháng – sau các cuộc bầu cử ở Áo và Hà Lan – rằng các cử tri châu Âu đã bắn phá những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu muốn khôi phục lại biên giới quốc gia khắp châu Âu. Cuộc bầu cử tại Pháp đã chọn ra một vị tổng thống bảo vệ sự thống nhất châu Âu.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử lần này cũng cho thấy một nước Pháp với 67 triệu dân đang bị chia rẽ sâu sắc, bị xáo trộn bởi những lo ngại về khủng bố và nạn thất nghiệp kinh niên, lo lắng về ảnh hưởng văn hoá và kinh tế do tình hình nhập cư gia tăng và lo sợ về khả năng cạnh tranh của Pháp với các nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2017 là sự phục hồi của kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 và 2018 lần lượt lên mức 3,6% và 3,7%, cao hơn đáng kể so với mức 3,2 của năm 2016. Khoảng 75% các nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay. Đây là sự tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế toàn cầu trong gần 10 năm qua.

Saudi Arabia chính thức cấp quyền công dân cho “cô” người máy Sophia. Ảnh: Reuters

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong năm 2017. Hàng loạt dự án được mở rộng với nhiều nguồn lực từ cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp và cả chính phủ các nước, cùng nhiều sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực, từ giao thông vận tải đến các loại máy móc tối ưu hóa trong y học, các ứng dụng AI trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, tình báo, an ninh, giám sát, nghiên cứu vũ trụ.... Robot thế hệ mới có hình dáng, giọng nói, tư duy, biểu cảm như con người. Đặc biệt, Saudi Arabia chính thức cấp quyền công dân cho “cô” người máy Sophia. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo cũng đang đặt ra những thách thức lớn cho nhân loại, đặc biệt là nguy cơ về mất an ninh và ổn định toàn cầu.

 

Theo An Bình/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm