Cập nhật: 05/01/2018 14:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về chính sách và thực thi chính sách liên quan sẽ giúp du lịch Việt Nam phát triển bền vững, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tàu Diamond Princess đưa du khách cập cảng PTSC Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: ÐĂNG KHOA

Năm 2017, du lịch Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách quốc tế với nhiều chính sách, cơ chế tạo thuận lợi, thu hút khách đến như miễn thị thực cho công dân các nước, đẩy mạnh cấp thị thực điện tử, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch tại các sự kiện du lịch quốc tế và các kênh truyền thông xã hội. Tuy nhiên, nhìn chung, du lịch nước ta vẫn chú trọng tăng về số lượng mà chưa tập trung vào những phân khúc khách có khả năng chi tiêu cao cùng các giải pháp và chính sách phối hợp liên ngành nhằm tăng chi tiêu cho khách. Năng lực quản lý và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho các điểm đến còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Ðầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở tầm quốc gia dàn trải, kém hiệu quả, chưa gắn với các thị trường trọng điểm và ở mức khá hạn chế, chỉ khoảng hai triệu USD, trong khi nhiều nước trong khu vực đã đầu tư ở mức từ 50 triệu đến 100 triệu USD.

Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách cũng chưa linh hoạt và phù hợp thực tế mà ở đây là chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam hiện vẫn kém sức cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực khi mới chỉ miễn thị thực cho công dân của 23 quốc gia và chủ yếu áp dụng trong 15 ngày, ít hơn thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế khi đến Việt Nam. Danh sách các nước được miễn thị thực lại chỉ được công bố theo từng năm và trước thời gian áp dụng từ một đến ba tháng khiến các doanh nghiệp du lịch không kịp lên kế hoạch quảng bá và đón khách ở các thị trường này.

Quy định mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh trước đó ít nhất 30 ngày của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng gây khó khăn cho khách quốc tế tham gia các tua du lịch liên kết các nước chung quanh, nhất là tua du lịch ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Theo tua du lịch này thì khách vào thăm các tỉnh phía bắc Việt Nam, sang hai nước bạn sẽ không thể nhập cảnh trở lại các tỉnh phía nam Việt Nam.

Với môi trường du lịch còn nhiều bất cập, du lịch Việt Nam đang được xếp hạng trung bình về năng lực cạnh tranh. Nhiều khách quốc tế thường bị phiền nhiễu bởi ý thức kinh doanh, làm du lịch thiếu chuyên nghiệp ở các điểm đến. Hiện tượng đeo bám bán hàng, ăn xin, vòi vĩnh, trộm cắp, thiếu an toàn về vệ sinh thực phẩm, thói quen xả rác bừa bãi, mất an toàn giao thông vẫn tiếp diễn... Các thủ tục hành chính, thực thi chính sách, pháp luật nhiều khi thiếu thống nhất, tùy tiện từ phía các cơ quan công quyền cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong các vấn đề xây dựng và hoàn thiện chính sách để tạo môi trường phát triển du lịch, thu hút du khách, phần lớn các chuyên gia và những người làm du lịch đều đề nghị các bộ, ngành nên có những điều chỉnh, sửa đổi về chính sách thị thực, nhất là quy định về thời hạn lưu trú, khoảng cách các lần nhập cảnh để tạo điều kiện kéo dài thời hạn lưu trú cho khách quốc tế đến Việt Nam từ đó chi tiêu, mua sắm nhiều hơn.

Thông tin về miễn thị thực cần thông báo sớm và áp dụng ổn định trong một khoảng thời gian nhất định, giúp doanh nghiệp du lịch xây dựng chiến lược và kế hoạch đón khách. Các chỉ số quản lý chất lượng điểm đến cần dựa trên thực tế quản lý của đơn vị kinh doanh và ý kiến du khách thay vì sự áp đặt hành chính từ phía cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và công bố định kỳ đánh giá chất lượng điểm đến... Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia cần tập trung đầu tư đúng mức và hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý.

Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế, Việt Nam cần hoàn thiện và tiếp tục thực hiện việc cấp thị thực điện tử cho công dân các nước có nhu cầu du lịch đến Việt Nam, tạo nên bước đột phá trong công tác cấp thị thực nhờ thủ tục đơn giản và nhanh chóng. Muốn làm tốt điều này, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành du lịch, hàng không Việt Nam cần phối hợp tuyên truyền về chính sách cấp thị thực điện tử ở các thị trường trọng điểm. Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nên tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút khách một cách hiệu quả.

Với những nỗ lực và giải pháp đồng bộ trong xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới có thể phát triển đồng thời với doanh thu ngày càng lớn và duy trì một cách bền vững.

 

Theo ÐOÀN THANH TRÀ

nhandan.com.vn

Tệp đính kèm