Diễn ra tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội, sự kiện “Tết Mông xuống phố 2018” đã tái hiện toàn bộ phần hội của Tết người Mông và tạo cơ hội cho những người trẻ tìm hiểu về văn hóa dân tộc.
“Tết Mông xuống phố” năm nay mang chủ đề "kéo không méo" với những hoạt động giúp cộng đồng hiểu hơn về tục lệ cuớp vợ của dân tộc Mông. Chương trình tái hiện phần hội của người Mông trong dịp tết như ném pao, đánh yến, mặc thử trang phục truyền thống của người dân, trưng bay sáo trúc cùng các bài hát dân gian và các trò chơi sôi động.
Chương trình do nhóm Hành động cho sự phát triển của người H’Mông tại Hà Nội thực hiện với mong muốn kết nối và tạo điều kiện cho sinh viên Mông đang học tập tại Thủ đô đón Tết Nguyên đán khi xa nhà.
Với truyền thống canh tác nông nghiệp lâu đời, Tết của người Mông luôn được tổ chức vào cuối mỗi mùa thu hoạch. Do đó, ở mỗi vùng địa lý khác nhau, Tết của người Mông sẽ diễn ra vào những thời điểm khác nhau, tùy vào vụ mùa ở vùng đó và thường không trùng với Tết dương lịch hay Tết Nguyên Đán.
Như nhiều tộc người khác, mỗi năm người Mông đều tổ chức ăn Tết gồm cả hai phần: phần lễ với thần linh thổ địa (làm ở nhà), phần hội để mọi người cùng vui chơi, tìm hiểu, học hỏi nhau vào cuối năm. Sự kiện “Tết Mông xuống phố 2018” đã giới thiệu phần hội - dịp để những người dân giao lưu với nhau qua các trò chơi ném pao, đánh yến, đánh cù... cùng ngân lên những bài ca dân gian.
Đồng thời, Tết cũng là dịp để con cháu người Mông tìm hiểu phong tục tập quán của dòng họ. Đặc biệt trong dịp Tết, người Mông hay tổ chức đám cưới, đám hỏi cho những đôi trai gái đến tuổi cập kê. Một trong những thực hành hôn nhân được nhiều người để ý nhất là “haib puj” – kéo vợ hay còn được gọi là cướp vợ./.
Sưu tầm