Cập nhật: 12/01/2018 14:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2017, bức tranh du lịch Việt Nam đã có nhiều khởi sắc khi vị thế quan trọng của ngành dần được khẳng định trong cơ cấu kinh tế - xã hội. Sự phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp của các sản phẩm, dịch vụ, dự án du lịch cùng mức tăng trưởng ngoạn mục về lượng khách đã khẳng định bước tiến của ngành, đồng thời đòi hỏi du lịch Việt Nam tiếp tục vượt qua thách thức để bứt phá trên hành trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trong năm 2017. Trong ảnh: Du khách thăm TP Hồ Chí Minh.

Tăng trưởng ấn tượng

Năm 2017, chịu tác động không nhỏ từ diễn biến phức tạp của thiên tai, bão lũ, song du lịch Việt Nam đã ghi những dấu ấn chưa từng có trong lịch sử. Nối tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2016, du lịch nước ta đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016. Tính chung hai năm 2016 và 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 60% so với năm 2015. Ngành du lịch cũng phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7% GDP. Tổng cục Du lịch khẳng định, nếu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam hoàn toàn có thể đuổi kịp những nước đứng đầu châu Á về du lịch như Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po trong tương lai gần. Những kết quả nêu trên đã góp phần nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế với hàng loạt giải thưởng danh giá, uy tín từ các tổ chức quốc tế. Lần đầu, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ sáu trong tổng số mười quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới năm 2017. Công ty Viettravel được bình chọn là “Nhà điều hành tua du lịch trọn gói hàng đầu thế giới”; Hãng hàng không quốc gia Việt Nam được xếp hạng “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa”; Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort Đà Nẵng lần thứ ba đạt danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”… Những giải thưởng này đã góp phần định hình thương hiệu, hình ảnh cho Việt Nam như một điểm đến hàng đầu khu vực và châu Á.

Năm qua cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư cơ sở lưu trú, nhất là ở phân khúc cao cấp với tầm nhìn của các nhà đầu tư chiến lược. Chỉ tính riêng năm 2017, có 106 cơ sở lưu trú phân khúc từ ba đến năm sao được công nhận; tổng số cơ sở lưu trú trên cả nước tăng thêm hơn 1.000 cơ sở so với năm 2016, nâng tổng lượng buồng, phòng có thể phục vụ khách du lịch lên 508.000. Việc mở rộng quy mô cơ sở lưu trú, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm đã góp phần tăng khả năng tiếp nhận, phục vụ của du lịch Việt Nam cũng như nội lực, thương hiệu điểm đến.

Những quyết sách mang tính động lực

Các chuyên gia du lịch khẳng định: Những dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục của du lịch Việt Nam chính là kết quả tổng hòa từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước cùng sự vào cuộc quyết liệt của ngành du lịch, nhất là các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, đáng kể nhất phải nói tới sự ra đời của Nghị quyết 08 NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được ban hành tháng 1-2017. Đây là văn kiện mang ý nghĩa lịch sử, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch với nhiều nội dung lớn như: đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, quy hoạch, quảng bá, xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực… Tiếp đó, Luật Du lịch được Quốc hội ban hành ngày 19-6-2017 với nhiều điểm mới như: xác định các nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, quy định các điều kiện hành nghề của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch… đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhưng chặt chẽ, sát thực tế để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch cũng như tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch hoạt động. Chính phủ cũng liên tục có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tại các cuộc họp thường kỳ để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn mang tính then chốt. Việc tiếp tục miễn thị thực cho công dân năm nước Tây Âu từ ngày 1-7-2017 đến 30-6-2018 đã và đang góp phần tăng nhanh lượng khách châu Âu đến Việt Nam với mức tăng trung bình từ 20% đến 30%. Quyết định thí điểm cấp thị thực điện tử từ ngày 1-2-2017 cho công dân 46 nước cũng được đánh giá là “cú huých” để thu hút khách quốc tế theo xu hướng đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh. 2017 còn là năm chứng kiến sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành du lịch trong nỗ lực thay đổi để phát triển. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được thực hiện khá chặt chẽ, mang lại hiệu quả thiết thực. Tổng cục Du lịch đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp địa phương để nắm tình hình, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành; tổ chức bốn đợt kiểm tra công tác cấp thẻ hướng dẫn viên; đồng thời rà soát, đánh giá lại chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch. Thông qua thanh tra, kiểm tra, xử lý mạnh tay những vi phạm trong kinh doanh du lịch, môi trường du lịch cũng trở nên lành mạnh, thân thiện hơn. Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch năm qua đã có nhiều khởi sắc khi huy động được nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp, đối tác theo cơ chế hợp tác công - tư. Nhờ đó, mặc dù kinh phí xúc tiến, quảng bá được cấp không tăng so với trước, nhưng quy mô sự kiện ở những thị trường trọng điểm đã lớn hơn, đạt hiệu quả cao hơn. Tính chuyên nghiệp trong chuẩn bị nội dung cho quảng bá, xúc tiến cũng được nâng cao hơn một bước.

Nhận diện các thách thức

Để có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, du lịch nước nhà cần sớm tháo gỡ nhiều khó khăn, thách thức. Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: So với một số nước trong khu vực, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn hạn chế, ngành du lịch chưa tận dụng những tiềm năng và cơ hội để phát triển. Đây là ngành mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng, mang tính xã hội hóa cao cho nên việc tạo ra các chuỗi giá trị để hình thành sản phẩm du lịch cần sự tham gia cung ứng của nhiều ngành, lĩnh vực; song sự liên kết chưa cao, chưa tạo được sức mạnh mang tính đồng bộ. Du lịch Việt Nam vẫn vướng những “điểm nghẽn” khi chính sách cấp thị thực đã cải thiện, nhưng độ mở vẫn kém cạnh tranh so với các nước; quảng bá xúc tiến còn thiếu về nguồn lực và hạn chế về năng lực; khả năng kết nối những đường bay trực tiếp từ Việt Nam tới các thị trường trọng điểm chưa được đáp ứng; công tác quản lý điểm đến bảo đảm an ninh, an toàn tại nhiều địa phương, nhất là những nơi thu hút lượng khách lớn vẫn đặt ra nhiều vấn đề. Một số nơi lại đang phát triển du lịch một cách quá nhanh, quá nóng vội dẫn đến tình trạng quá tải, nguy cơ mai một văn hóa bản địa và gây ảnh hưởng đến vấn đề an ninh, an toàn cũng như sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, nội tại ngành du lịch cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế mà nhức nhối nhất trong năm qua phải kể tới hoạt động khó kiểm soát của lĩnh vực lữ hành, hướng dẫn du lịch. Đó là tình trạng người nước ngoài nhập cảnh để kinh doanh lữ hành, làm hướng dẫn viên trái phép, gây ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, hình ảnh điểm đến. Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phần lớn là vừa và nhỏ, thiếu năng lực, thiếu nguồn lực tài chính, dễ bị các đối tác nước ngoài chi phối, chấp nhận lợi nhuận thấp để doanh nghiệp nước ngoài điều hành. Hơn nữa, ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên Việt Nam chưa tốt khi sẵn sàng tiếp tay cho người nước ngoài núp bóng, kinh doanh tổ chức tua trái phép làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, thương hiệu du lịch Việt Nam… Trong khi đó, sản phẩm du lịch Việt Nam nhìn chung còn nghèo nàn, thiếu bản sắc, thiếu tính cạnh tranh, nên chưa thu hút được du khách lưu trú dài ngày hoặc quay trở lại. Đây là những thách thức mà muốn vượt qua, cần tư duy đột phá của những người làm du lịch.

Năm 2018, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón hơn 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 78 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng, đóng góp hơn 8% vào GDP cả nước. Để hiện thực hóa nhiệm vụ nặng nề này, ngành du lịch cần tiếp tục cố gắng duy trì đà tăng trưởng khách quốc tế và nội địa trong điều kiện bảo đảm sự ổn định về chính sách, an toàn, an ninh, môi trường. Thời gian tới, cần xây dựng những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù kết hợp đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến ở những thị trường khách trọng điểm có mức chi tiêu lớn. Bên cạnh việc tập trung tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật Du lịch có hiệu lực từ năm 2018, ngành du lịch cũng cần lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch để hoàn thiện các đề án lớn như: điều chỉnh chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tái cơ cấu du lịch; liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch; nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch… Đây là những đề án được kỳ vọng sẽ khắc phục những yếu kém, bất cập, tạo động lực mạnh mẽ mang đến những thay đổi tích cực cho ngành du lịch.

 

Theo TRANG ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm