“Hơn 90% các hộ dân trong thôn đều làm bánh chưng, mỗi ngày các cơ sở sản xuất hàng nghìn chiếc bánh, hiện tại sản phẩm đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn tại Hà Nội, Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa... Điều này đã tạo nên sinh kế mới và trở thành nguồn thu lớn cho các hộ dân nơi đây”. Đó là đánh giá của anh Lê Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường thành phố Hà Giang về sản phẩm bánh chưng gù tại thôn Bản Tùy.
Công đoạn gói bánh chưng của gia đình chị Nguyễn Thị Dung, thôn Bản Tùy.
Bánh chưng với nhiều tên gọi khác nhau như: Bánh tét, chưng dài, chưng vuông..., ứng với mỗi cách gọi, cách đặt tên lại mang dáng dấp đặc trưng dân tộc, phong tục, tập quán từng vùng miền. Đối với bánh chưng gù, bánh không quá to mà nhỏ nhắn, bánh có màu xanh và đen tượng trưng cho những dãy núi Hà Giang và ý chí con người nơi đây. Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, những chiếc bánh cũng theo chân các du khách đi muôn nơi, góp phần trong đó là những sản phẩm bánh chưng do bà con thôn Bản Tùy.
Người góp phần đưa bánh chưng ra thị trường là hộ gia đình chị Nguyễn Thị Dung, thôn Bản Tùy. Chị Dung tâm sự: “Nguồn nuôi sống cả gia đình chị trước đây chính là những gánh hàng rong bánh chưng. Khi các con lớn, kéo theo là chi phí sinh hoạt và học tập ngày càng nhiều, cùng với việc bán bánh chị mở quán bán thêm xôi tại cổng Bưu điện xã và cũng bắt đầu từ đây, các khách hàng đến mua và truyền tai nhau, rồi đặt hàng. Bên cạnh đo, được lãnh đạo xã thường xuyên mang các sản phẩm của gia đình giới thiệu tại các hội chợ, gian trưng bày...Từ đó tiếng lành đồn xa, các đơn đặt hàng ngày một nhiều. Chị và gia đình quyết định mở xưởng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng...”.
Để lý giải cho sự cuốn hút của những chiếc bánh, phải kể đến đó là nguyên liệu làm bánh như: Gạo, thịt, đậu... được các hộ dân chọn lựa kỹ. Màu xanh của bánh được bà con lấy từ nước cốt lá riềng, màu đen từ tro cây sương muối, đều là những công thức truyền thống, thịt lợn làm nhân được các hộ dân trực tiếp chọn mua lợn và tự mổ, gạo nếp là gạo Khum được đặt mua tại Bắc Mê, cùng với đó là các nguyên liệu đi kèm như: Hạt tiêu, đỗ, lá dong...Chính điều này đã tạo nên những chiếc bánh mang bản sắc và nét riêng của Bản Tùy.
Chỉ chưa đầy 1 năm, các cơ sở sản xuất bánh trên địa bàn thôn ra đời ngày một nhiều, hiện tại có hơn 15 cơ sở sản xuất với công suất lớn, đặc biệt là hộ gia đình chị Dung vào các ngày Rằm, mùng 1, mỗi ngày cơ sở sản xuất và đưa ra thị trường từ 4.000 – 5.000 chiếc bánh, để đáp ứng đủ bánh, chị thuê gần 20 nhân công nhưng cũng không thể kịp các đơn hàng. Cùng với đó các cơ sở khác tại thôn mỗi ngày cũng đưa ra thị trường từ 200 - 300 chiếc. Điều này đã tạo nguồn thu nhập ổn định, bình quân hàng tháng doanh thu của các cơ sở từ 30 - 40 triệu đồng, nhân công là từ 4 - 5 triệu tính theo năng suất lao động.
Để đảm bảo chất lượng và duy trì thương hiệu sản phẩm bánh chưng địa phương, đồng chí Lê Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Do các cơ sở phát triển quá nhanh trong thời gian ngắn khiến cho nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng, cơ sở hạ tầng còn thô sơ chưa đáp ứng được hình thức sản xuất dây chuyền, nhiều cơ sở ngoài xã đang trá hình sản phẩm... Để khắc phục, xã đã đề nghị UBND tỉnh xét công nhận thôn Bản Tùy trở thành làng nghề truyền thống; đăng ký bản quyền, dán nhãn mác thương hiệu bánh chưng Bản Tùy, cùng với đó mở các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ dân...”.
Những chiếc bánh của Bản Tùy với hương vị đặc biệt, khi mở bánh ra là mùi thơm đặc trưng, vị đậm đà của nhân bánh kết hợp là vỏ bánh mềm khi ăn sẽ giúp thực khách cảm nhận được hương vị tự nhiên cùng vị ngậy của thịt, đỗ. Sau 8 tiếng luộc bánh, những chiếc bánh được vớt ra mang hương vị của bản vùng cao bốc khói nghi ngút được vận chuyển ra bến xe và từ đó phân phối đi khắp nơi./.
ST