Những dòng hồi ức của Thiếu tướng Trần Kinh Chi là tư liệu rất quý cho các nhà nghiên cứu lịch sử Đảng, những người sáng tác văn học - nghệ thuật.
Đúng là không thể có lời tóm tắt nào hay hơn về cuốn hồi ký của Thiếu tướng Trần Kinh Chi (Nhà xuất bản Hồng Đức 2017), nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ Quân đội.
Thiếu tướng Trần Kinh Chi sinh ngày 20/5/1927 tại làng Thượng Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) trong một gia đình trung nông, ông thân sinh vốn có nghề dạy học, nay đây mai đó. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Văn Hợp. Trần Kinh Chi là tên ông dùng từ khi tham gia hoạt động cách mạng năm 16 tuổi (là một trong 3 hội viên Việt Minh đầu tiên của làng Thượng Hiệp).
Hồi ký Trần Kinh Chi.
Ông có một tuổi thơ vất vả, lận đận đường học hành và chỉ mới học hết bậc tiểu học. Nếu không sớm giác ngộ cách mạng, cuộc đời ông không biết đi về đâu. Ông đến với cách mạng cũng đơn giản, gần như một bản năng của một chàng thanh niên vốn là con cháu Lạc Hồng, khi giác ngộ ra “sứ mạng của Việt Minh là đánh Tây đuổi Nhật, đem lại cuộc sống tự do, bình yên cho đồng bào”.
Ông có cái may là sớm được gần gũi với nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng ta hồi ấy, trong đó có các đồng chí Xuân Thuỷ, Lê Quang Hoà, Bùi Quang Tạo… và sau này là Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh… Ông sớm được huấn luyện, tuy ngắn ngày, những bài học chính trị, quân sự… Đây là cái vốn ban đầu rất quan trọng để ông tích cực hoạt động, vận động quần chúng tham gia Việt Minh.
Rồi khi chớm 18 tuổi, ông lãnh đạo khởi nghĩa ở địa phương trong những ngày tháng 8/1945, sau đó thành lập và củng cố chính quyền cách mạng. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông được Đảng phân công làm Bí thư huyện Tùng Thiện (Sơn Tây), đồng thời chỉ đạo phong trào ở thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ. Có những lúc ông được nhân dân Sơn Tây gọi là “Hùm xám” xứ Quảng Oai.
Những dòng hồi ức của ông về thời kỳ này là những tư liệu rất quý cho các nhà nghiên cứu lịch sử Đảng, những người sáng tác văn học - nghệ thuật. Và đặc biệt là những bạn trẻ hôm nay, để hiểu, để cắt nghĩa vì sao tháng 8/1945, Đảng ta với khoảng 5000 đảng viên đã lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong cả nước.
Sau một thời gian công tác ở địa phương, không nề hà bất cứ việc gì mà Đảng giao, tháng 8/1949, ông Trần Kinh Chi bắt đầu công tác ở Nha Công an Trung ương. Từ tháng 10/1950 được điều sang Quân đội và tại ngũ đến năm 1979.
Cuộc đời của một người gần như suốt thời kỳ tráng niên, làm công tác bảo vệ như thiếu tướng Trần Kinh Chi, hẳn có nhiều chuyện ly kỳ mà một nhà văn nhiều trí tưởng tượng có thể hình dung ra. Nhưng trong những hồi ức của mình, ông chỉ lướt qua, coi như là chuyện cần phải vậy và ai cũng biết.
Những hồi ức sâu đậm nhất, tha thiết nhất, lắng đọng nhất, vị Cục trưởng Cục bảo vệ Quân đội nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta. Trong kháng chiến chống Pháp, ông nhiều lần được tham gia bảo vệ Bác, trong đó có lần Bác Hồ đi thăm bộ đội Đại đoàn 312, thăm Hoàng thân Souphanouvong và các vị trong chính phủ Lào kháng chiến…
Sau tháng 7/1954, hoà bình lập lại trên miền Bắc nước ta. Trần Kinh Chi được bảo vệ Bác Hồ khá thường xuyên cho đến khi Người qua đời vào ngày 2/9/1969. Và từ đó, cuộc đời ông gắn liền với công việc gìn giữ, bảo vệ thi hài Bác.
Đọc hồi ký của ông, biết thêm một địa điểm ít được nói tới là nơi gìn giữ thi hài của Bác Hồ ngoài Quân y viện 108 và khu K9 Đá Chông, đến khi Bác trở về yên nghỉ trên Lăng tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội. Đó là một khu vực bên kia sông Đà, trong một hang núi mà sau đó đã được bịt lại.
Một chi tiết rất ít người biết được ông kể ra: sau tang lễ Bác đầu tháng 9/1969, phía Liên Xô muốn đưa thi hài Bác sang Moscow. Bộ chính trị Trung ương Đảng ta không chấp nhận đề nghị này. Căng đến mức Bộ chính trị quyết định nếu phía Liên Xô không đồng ý giúp gìn giữ thi hài Bác tại Việt Nam thì chúng ta sẽ hoả táng Bác theo như Di chúc của Người.
Những hồi ức của thiếu tướng Trần Kinh Chi về những tháng năm bảo vệ Bác Hồ và gìn giữ thi hài Người được kể rất chi tiết, mạch lạc và vẫn sống động như vừa mới xảy ra. Đó là những hồi ức vô giá.
Vị tướng cận vệ của Bác Hồ để lại cho chúng ta những cảm nhận gì qua cuốn hồi ký này? Đó trước hết là sự giác ngộ lý tưởng. Hai chữ “giác ngộ ” thật là sâu. Làm nên cốt cách của một người lính Cụ Hồ: Trung với Đảng, hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Đối với việc công thì vậy.
Trong gia đình, ông là một người đồng chí - một người chồng thương yêu vợ con hết lòng, thuỷ chung son sắt. Bà Trần Kinh Chi cũng là một tấm gương điển hình của một cán bộ phụ nữ vừa tần tảo, vừa nuôi con, nuôi mẹ, vừa tham gia hoạt động, không màng danh lợi của bản thân, trở thành hậu phương ấm áp cho người chồng thường xuyên xa nhà.
Mười tám tuổi đã là Bí thư một huyện, trở thành Cục trưởng Cục bảo vệ Quân đội khi tuổi còn rất trẻ nhưng Trần Kinh Chi cũng trải qua không ít khó khăn, thử thách. Làm cán bộ cách mạng nhưng gia đình rất nghèo. nhiều năm tháng chịu đói cơm rách áo mà làm việc.
Trong kháng chiến chống Pháp gia đình chia năm xẻ bảy đã đành, về Hà Nội rồi vẫn chồng một nơi, vợ một nơi, con một nơi vì "Trung tá thì không có tiêu chuẩn nhà ở”. Thôi giữ chức Tư lệnh - Trưởng ban phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình, chuyển sang là Uỷ viên thường trực Uỷ ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam…
Ở cương vị nào, ông cũng làm tròn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và chú trọng đào tạo lớp cán bộ kế cận. Cũng như vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, ông đúng là “Bộ đội Cụ Hồ”, “dĩ công vi thượng”, xứng đáng với trọng trách “vị tướng cận vệ của Bác Hồ”,
Có đoạn hồi ức rất lý thú thời ở chiến khu Việt Bắc của Thiếu tướng Trần Kinh Chi tôi muốn dành kết thúc bài viết này. Đó là chuyện được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác, nhưng do “đang tuổi ăn ngủ” , chàng thanh niên Trần Kinh Chi đã ngủ quên trong vòng tay của Bác. Phải chăng ông chính là nguyên mẫu để nhà thơ Minh Huệ viết những dòng thơ nổi tiếng trong bài "Đêm nay Bác không ngủ”:
Anh đội viên thức dậy,
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Đêm nay Bác không ngủ…
…Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Trải lá cây làm chiếu
Manh áo ngủ làm chăn
Trời thì mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi rét…
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau…
Với Bác lòng ta trong sáng hơn. Đọc hồi ký của Thiếu tướng Trần Kinh Chi, tôi cũng có cảm tưởng như vậy./.
Theo CTV Thanh Vũ/VOV.VN