Ngày 18/1, Di tích Nhà tù Hỏa Lò khai mạc trưng bày chuyên đề “Sáng mãi niềm tin” nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2018), 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908-2/2/2018).
Các đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Trưng bày chia làm ba chủ đề. Phần mở đầu giới thiệu về tinh thần cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với nội dung: “Nguyễn Đức Cảnh - Dấu ấn nhà cách mạng.”
Người xem cảm nhận về một chiến sỹ cách mạng để lại nhiều dấu ấn cho sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên (tháng 3/1929), Đông Dương cộng sản Đảng (tháng 6/1929), Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (tháng 7/1929).
Nội dung thứ hai “Tiến bước dưới cờ Đảng” giới thiệu về bốn đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ - những người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã anh dũng hy sinh khi chưa kịp chứng kiến thắng lợi của cách mạng theo con đường các đồng chí vạch ra. Chính niềm tin các đồng chí dày công xây đắp đã thôi thúc quần chúng yêu nước biến thành hành động trong cao trào đấu tranh giành chính quyền những năm 1939-1945.
“Nơi niềm tin tỏa sáng” là nội dung cuối của trưng bày thể hiện sự tri ân công lao của những chiến sỹ cách mạng đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Trưng bày còn giới thiệu tới công chúng một số tác phẩm tiêu biểu như: “Luận cương chính trị” của đồng chí Trần Phú; “Tự chỉ trích” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; một số tờ báo như “Búa liềm”, “Lao động” và một số truyền đơn, tài liệu của Đảng.
Tại lễ khai mạc, các đại biểu được trực tiếp tham gia giao lưu với nhân chứng lịch sử là những đảng viên tiêu biểu từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù thực dân, đế quốc gồm Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Trưởng ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn chuyên gia kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; bà Nguyễn Thị Hồng - cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, đại biểu Quốc hội khóa II, III; ông Lâm Văn Bảng - cựu tù Phú Quốc, ủy viên Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội, Giám đốc Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Ôn lại những ngày tháng đấu tranh thời trước Cách mạng tháng Tám, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, người có 85 tuổi Đảng chia sẻ đặc điểm chung của các nhà tù là chúng tìm mọi cách làm anh em chiến sĩ suy sụp về thể xác và tinh thần, để từ đó lôi kéo anh em đứng về phía chính quyền tay sai. Trong tù, chúng tôi vẫn nghiên cứu chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản... Lúc đó ta chưa giành được chính quyền nhưng khi đã thề đi theo Đảng thì chúng tôi giữ lời thề sắt son, sống chết trung thành với lý tưởng. Niềm tin, ý chí đã giúp chúng tôi cũng như những chiến sỹ cách mạng vượt qua sự tra tấn, vượt qua gian khổ của địch.
Bà Nguyễn Thị Hồng, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, đại biểu Quốc hội khóa II, III nhớ lại trong tù rất khổ, mỗi bữa ăn chưa đầy một bát cơm, nhiều hôm phải ăn cơm trộn cám. Không có bát, mọi người lấy gáo dừa làm bát, trèo lên cây bàng bẻ cành làm đũa. Trong tù, các hoạt động sinh hoạt Đảng, sinh hoạt tư tưởng, tuyên truyền đấu tranh vẫn diễn ra bình thường. Không có công cụ đấu tranh, chúng tôi đấu tranh bằng tuyệt thực. Những ngày kỷ niệm, chúng tôi hát các bài ca cách mạng.
Trưng bày diễn ra đến hết ngày 14/2./.
Theo ĐINH THỊ THUẬN (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/khai-mac-trung-bay-chuyen-de-ve-nha-cach-mang-nguyen-duc-canh/484661.vnp