Vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tiêm vaccine cúm mùa, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm… là những biện pháp phòng chống cúm mùa được Bộ Y tế khuyến cáo.
Nhiều trẻ nhỏ nhập viện do mắc cúm mùa
Nên đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng cúm mùa. Ảnh minh họa Thống kê của Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, chỉ trong vòng 2 tuần qua, bệnh viện đã chẩn đoán, phát hiện gần 300 trẻ mắc cúm, 1/3 trong số đó phải nhập viện, có bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi, viêm phế quản…
Các BV khác ở Hà Nội như Saint Paul, Đống Đa, Hà Đông… cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp mắc cúm A, cúm B.
Theo ước tính của WHO, hằng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm mùa, trong đó có 3-5 triệu trường hợp có diễn biến nặng, khoảng 250.000-500.000 người tử vong.
Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây hằng năm ghi nhận khoảng từ 1-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng cúm A/H3N2, A/H1N1 và B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa Đông và mùa Xuân.
Theo Bộ Y tế, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, A/H1N1, B và C.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể tử vong.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các điều sau: Bảo đảm vệ sinh cá nhân; che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm, hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng virus cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia từ năm 2006, giám sát nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng từ đầu năm 2016 và đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cúm tại Trung tâm Cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM. Đến nay các đơn vị này đều có khả năng xét nghiệm các chủng virus cúm.
Theo Chinhphu.vn