Cập nhật: 21/01/2018 15:13:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng, ngành du lịch thế giới đứng trước yêu cầu nhanh chóng phát triển theo mô hình "du lịch thông minh". Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Du lịch thông minh hiểu một cách khái quát nhất là việc áp dụng công nghệ thông tin nhằm tạo ra và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho du khách thông qua sử dụng các ứng dụng trực tuyến như cấp visa, đặt phòng, tìm đường, lựa chọn điểm đến…

Ở khía cạnh vĩ mô, có thể thấy Nghị định số 07/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25/1/2017 về quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử (e-visa) cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (danh sách có 40 nước, thời gian thí điểm 2 năm; sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP bổ sung 6 nước) là một trong những bước đột phá tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam.

Tiếp đó, nắm bắt xu thế của cuộc cách mạng 4.0, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng này.

Chỉ thị 16 đặt ra yêu cầu các ngành, các cấp phải nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng lợi thế, trong đó, du lịch cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số, quản trị thông minh.

Đây là những cơ sở pháp lý để các địa phương, doanh nghiệp triển khai các giải pháp cụ thể trong du lịch. Ở đây có thể nêu những ví dụ cụ thể.

Hồi tháng 11/2017, TP. Đà Nẵng ra mắt ứng dụng Chatbot Danang Fanstaticity giúp người dùng có thể tra cứu mọi thông tin về du lịch Đà Nẵng (địa điểm, thời tiết, chỉ đường…) cùng nhiều tiện ích khác ngay trong ứng dụng tin nhắn mọi lúc, mọi nơi.

Sản phẩm được tích hợp ngay trên nền tảng mạng xã hội Facebook và tương thích được với điện thoại di động thông minh sử dụng hệ điều hành Android, IOS… có kết nối Internet thông qua 3G, Wifi.

Tại Hà Nội, ngày 11/1/2018, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đưa vào hoạt động hệ thống thuyết minh tự động với 8 ngôn ngữ tại 14 điểm trong di tích.

Ðể sử dụng dịch vụ này, du khách chỉ cần sử dụng thiết bị được cài đặt sẵn, có thể kết nối vào tai nghe rất tiện lợi và lựa chọn điểm cần thuyết minh theo nhu cầu.

Dịch vụ thông minh, tiện lợi này giúp bao phủ hết nhóm khách có nhu cầu tiếp xúc với thông tin về sản phẩm du lịch, không chỉ khách đi theo đoàn, mà cả các khách lẻ, nhiều quốc tịch. Qua đó việc quảng bá giá trị đa dạng của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiệu quả hơn..

Ngày 16/1/2018, Sở Du lịch Ninh Bình và Viễn thông Ninh Bình đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai mô hình du lịch thông minh tỉnh Ninh Bình.

Thỏa thuận tập trung vào một số giải pháp như xây dựng kho tích hợp dữ liệu du lịch, cổng thông tin du lịch, ứng dụng du lịch trên di động, bản đồ số du lịch, hệ thống quản lý lưu trú, phương tiện hỗ trợ thông tin du lịch, wifi công cộng miễn phí cho khách du lịch tại các điểm du lịch...

Đặc biệt, tiện ích thông minh ứng dụng trên di động dành cho du khách sẽ giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin, tìm kiếm bằng giọng nói, dịch chuyển ngôn ngữ, tạo lịch trình cá nhân hoá, tham quan 3D.

Như vậy có thể nói từ việc cấp visa điện tử đến ứng dụng nhiều tiện ích công nghệ thông tin cho du khách  là hướng đi mới của du lịch từ "áp lực" của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Theo Thanh Xuân/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm