Dẫu còn một chặng đường dài nữa thì đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Ðồn (tỉnh Quảng Ninh) mới có thể chính thức được thành lập, nhưng “hình hài” về một đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, một trung tâm kinh tế năng động với trọng tâm là dịch vụ du lịch cao cấp, giải trí hiện đại có ca-si-nô... đã được phác thảo.
Con đường kết nối các khu vực được quy hoạch phát triển đặc khu kinh tế Vân Ðồn trong tương lai.
Bỏ vốn mồi “đại bàng” đến làm tổ
Vì sao Vân Ðồn trở thành “ứng cử viên” sáng giá để trở thành một trong ba mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HC-KTÐB) đầu tiên của cả nước? Ðó trước hết là lợi thế về vị trí địa lý đặc biệt. Bởi đây là một quần đảo nằm ở phía đông và đông-nam của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích tự nhiên lớn lên tới hơn 550 km2, quy tụ khoảng 600 hòn đảo lớn nhỏ… Là một “mắt xích” quan trọng nằm trên các trục hành lang kinh tế liên khu vực và quốc tế, Vân Ðồn hội tụ lợi thế về địa giới hành chính, vị trí địa lý khác biệt, và quy mô dân số ít, để có thể tính tới mô hình phát triển mới với những đột phá cả trong quy hoạch và thể nghiệm chính sách. Thế nhưng, khoảng cách từ tiềm năng, từ định hướng cho đến thực tế là cả một hành trình dài, là phép thử bản lĩnh của người hoạch định chính sách và khả năng thực thi của cả
bộ máy.
Trong khi chờ đợi một khuôn khổ pháp lý chính thức cho mô hình HC-KTÐB Vân Ðồn, tỉnh Quảng Ninh chủ động khiến mình trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Tỉnh nhạy bén đưa “vốn mồi” để tập trung vào đầu tư hạ tầng, tăng cường kết nối vùng và các nước trong khu vực, từ đó thu hút những nhà đầu tư lớn, được ví như “đại bàng” đến đầu tư. Và rồi, đã có những cánh chim đầu tiên chọn miền “đất hứa” Vân Ðồn.
Chỉ trong vòng ba năm, hàng tỷ USD đã được tỉnh Quảng Ninh và các nhà đầu tư dồn vào phát triển hạ tầng để trong quý I-2018, có thể đưa tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội và cao tốc Hạ Long - Vân Ðồn. Không dừng ở đó, tỉnh cũng chủ động xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư gần 14 nghìn tỷ đồng để xây dựng tiếp tuyến cao tốc huyết mạch từ Vân Ðồn đi thành phố biên giới Móng Cái, với tổng chiều dài gần 100 km, đặt nền móng cho sự phát triển KT-XH toàn vùng...
Theo Ban Quản lý khu kinh tế (KKT) tỉnh Quảng Ninh, hiện khu KKT Vân Ðồn đã thu hút 54 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Trong đó có bốn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (trị giá khoảng 19,4 triệu USD) và 50 dự án từ nhà đầu tư trong nước (tổng vốn đăng ký đạt 21.300 tỷ đồng). Theo dự kiến năm 2018, hàng loạt dự án lớn sẽ được các nhà đầu tư khởi công xây dựng với tổng số vốn đầu tư lên tới 61 nghìn tỷ đồng.
Xác định phát triển theo mô hình mũi nhọn, Quảng Ninh đã lựa chọn Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược, thực hiện những dự án trọng điểm, quy mô lớn tại Vân Ðồn. Ðiển hình như một số dự án lớn đang triển khai là Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn cấp 4E đón được những loại máy bay lớn và hiện đại nhất thế giới như A350, B777 có tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng; dự án khu dịch vụ, hậu cần cảng hàng không; dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Ðồn (trong đó có hạng mục Casino…)
Trở lại Vân Ðồn những ngày đầu năm 2018, đã thấy một “sắc diện” đổi thay đến không ngờ. Xe đã chạy trên con đường sáu làn dài hơn 7 km nối thị trấn với Khu kinh tế (KKT) Vân Ðồn… Và từ phía xa đã có thể thấy đường băng cất - hạ cánh dài nhất Việt Nam trải ra xa xa, rồi những nhà ga, cầu cạn, tháp không lưu… đang được gấp rút hoàn thành.
Nếu đúng như kế hoạch, chỉ trong quý II này thôi, sẽ có những chuyến bay cất cánh từ đây. Ðó cũng là hình ảnh ngụ ý cho sự cất cánh của một mô hình mới!
Tiền đề để cất cánh
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Duy Hưng, nhớ lại, không thể không nhắc đến một điểm nhấn quan trọng là ngày 19-8-2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch chung Xây dựng KKT Vân Ðồn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định Vân Ðồn là KKT tổng hợp được vận hành theo quy chế riêng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Ninh và vùng duyên hải Bắc Bộ…
Tuy nhiên, muốn thực hiện được mục tiêu trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; là trung tâm kinh tế năng động trình độ cao và là trung tâm giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN..., Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Vân Ðồn phải giải quyết ba điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. Ðây sẽ là “phòng thí nghiệm thể chế” để tìm ra con đường phát triển thích hợp nhất.
Kể từ đó, Quảng Ninh luôn là một trong những địa phương đi đầu và rất tích cực trong việc nghiên cứu mô hình phát triển mới. Khoảng 5 năm trước, Quảng Ninh đã chủ động tổ chức một hội nghị quốc tế để thảo luận về các vấn đề phát triển đơn vị HC-KTÐB. Và mới đây, tại Pa-ri (Pháp), Văn phòng Hội Chuyên gia và Khoa học Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cũng đã tổ chức hội thảo về mô hình đơn vị HC-KTÐB. Ðến thời điểm này, đã có 12 chính sách được AVSE Global nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào đề án đặc khu Vân Ðồn, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc ưu tiên xây dựng nguồn nhân lực cùng với thu hút người tài.
Theo ông Nguyễn Ðức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, yếu tố tạo nên đột phá cho Vân Ðồn là phải có được thể chế đủ mạnh để đưa ra được cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất. Ði đôi với đó là phải xây dựng được bộ máy quản lý Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả… Ðề án đơn vị HC-KTÐB Vân Ðồn vừa được HÐND tỉnh Quảng Ninh thông qua và trình Chính phủ, thể hiện những điểm nhấn nói trên.
Một khi được “kích hoạt”, với đường băng đã có, Vân Ðồn có thể cất cánh!
Lê Hương Trà
Theo nhandan.com.vn