Cập nhật: 22/01/2018 10:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian qua, vùng đất ven biển các tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ bị xâm nhập mặn, ngập úng, khô hạn, hoang mạc hóa, bồi lấp cửa sông,... ảnh hưởng không nhỏ hoạt động sản xuất, môi trường sống của người dân. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu, tìm các giải pháp trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

 

Xây dựng kè chắn sóng chống sạt lở đất ven biển tại TP Ðà Nẵng. Ảnh: KHÁNH AN

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh, thành phố: Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Ðây là vùng có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên trục các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và hàng hải, là cửa ngõ của Tây Nguyên, của đường xuyên Á ra biển nối đường hàng hải quốc tế. Ðáng chú ý, vùng ven biển Nam Trung Bộ có tiềm năng đất đai lớn để phát triển một số ngành như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, cảng biển, du lịch, dịch vụ... Tuy nhiên, khu vực này thường xuyên chịu tác động mạnh của động lực biển, hay tương tác sông - biển, cho nên có nhiều đoạn bờ ở khu vực các cửa sông đang diễn ra quá trình xói, lở mạnh...

Nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả, tăng cường quản lý đất ven biển, ngày 27- 7- 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg. Chỉ thị nêu rõ những bất cập trong quản lý đối với quỹ đất ven biển như: Quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức cho nên chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển; nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng; tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái trầm trọng; quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai...

Thực tế cho thấy, việc sử dụng đất ven biển Nam Trung Bộ hiện nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất hợp lý. Việc phát triển hay dự kiến quy hoạch phát triển các đô thị ven biển thường dẫn đến tình trạng quỹ đất bị khai thác tới mức cao nhất. Việc xây dựng tập trung các công trình kiên cố đang và sẽ làm thay đổi cảnh quan vùng bờ, trạng thái bờ và bãi biển. Tình trạng hoạt động khoáng sản hiện tại gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về môi trường, lãng phí về tài nguyên đất. Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai... Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng đất tại các tỉnh Nam Trung Bộ được đánh giá còn thấp, nhất là đất nông nghiệp. Hiện nay, người dân vẫn thực hiện các biện pháp canh tác theo tập quán cũ, cơ cấu cây trồng không hợp lý, chưa chú trọng nhiều tính hiệu quả và bền vững trong khai thác sử dụng đất. Việc mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản cùng việc khai thác nước ngầm vượt ngưỡng tự bổ cập làm tình trạng đất nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng. Ðáng lo ngại, trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nhiều khu vực đất ven biển bị xâm nhập mặn, ngập úng, bị khô hạn và hoang mạc hóa; tình trạng đất bị rửa trôi, xói mòn, sạt lở, bồi tụ, bồi lấp cửa sông... đã ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân trong khu vực.

Để từng bước khắc phục những tồn tại nêu trên, các cơ quan liên quan cần tập trung triển khai nghiên cứu, tìm ra các giải pháp trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp truyền thống; chuyển dịch phương thức sản xuất theo tập quán cũ sang các hoạt động sản xuất tiên tiến như nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, điều dưỡng, vui chơi giải trí... Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố vùng duyên hải Nam Trung Bộ đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên môi trường, nhất là tại các vùng đất bãi bồi, mặt nước ven biển bằng các hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính, xác định ranh giới quản lý, giúp địa phương có sự phân chia vùng quản lý rõ ràng; thống kê, kiểm kê, đánh giá phân hạng thích nghi đất đai đối với một số các loại hình kinh tế nhất định; xây dựng dữ liệu tài nguyên bãi bồi, mặt nước ven biển nhằm sử dụng thống nhất cơ sở dữ liệu trong hoạch định các chính sách quy hoạch, phát triển ngành liên quan…

Trên cơ sở đánh giá tổng hợp các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường của vùng ven biển, xây dựng hệ sinh thái lâm - ngư - nông kết hợp, tạo nên thế ổn định kinh tế của vùng đất ven biển ở các địa phương. Thí dụ, trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên mặt nước hoang hóa, bên cạnh bố trí diện tích đất, cần có giải pháp kỹ thuật để bảo vệ môi trường ven biển. Quy hoạch hệ thống thủy lợi và xử lý nước thải một cách đồng bộ ở các khu vực nuôi tôm trên cát vùng ven biển, nhằm hạn chế cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước ngầm. Ðồng thời, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng dân cư ven biển về biến đổi khí hậu và các kỹ năng thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu; vận động ngư dân không khai thác thủy sản trong các vùng cấm, không đánh bắt các loài thuộc danh mục cấm khai thác...

ThS Trịnh Thị Hải Yến

(Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường)

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm