Có một nơi mà khi về với đất Tổ Hùng Vương, du khách không nên bỏ lỡ, ấy là làng cổ Hùng Lô - mảnh đất hơn 300 năm tuổi nằm bên bờ sông Lô. Là quần thể di tích có giá trị về văn hóa và lịch sử, những năm gần đây, nơi này đang trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tâm linh Phú Thọ.
Làng cổ Hùng Lô chỉ cách Đền Hùng chừng 10 km. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ, di tích lịch sử cấp quốc gia đã được công nhận từ năm 1990. Tương truyền, đây vốn là nơi Vua Hùng cùng công chúa và các quần thần dừng chân nghỉ ngơi trong một chuyến du ngoạn. Vua thấy nơi này trù phú, cây cối tốt tươi, lại có khí thiêng từ lòng đất bốc lên nên cho đây là chốn địa linh. Sau này, dân làng đã dựng miếu thờ Vua Hùng để đời đời nhớ ơn Vương tổ. Đến thời vua Lê Hy Tông, đình bắt đầu được xây dựng, hướng về núi Nghĩa Lĩnh.
Đình Hùng Lô là quần thể di tích lịch sử văn hóa được xây trên dải đất rộng, gồm nhiều hạng mục công trình như: tòa Đại đình, Phương Đình, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà tiền tế... Tất cả đều được xây dựng bằng những loại gỗ quý như đinh, lim, sến, táu... Tòa Đại đình được cấu trúc theo kiến trúc truyền thống ba gian, hai chái; cả ba gian đều có bàn thờ. Các gian tiền tế được xây theo cấu trúc năm gian, hai chái. Hai bên đình là nhà thờ Phật và bệ thờ Thần Nông. Ngoài ra, quần thể di tích còn có khu Văn chỉ thờ Khổng Tử, cũng là nơi ghi danh truyền thống hiếu học của nhân dân Hùng Lô; nhà Yến Lão là nơi các bậc cao niên dự việc làng và hiện là nơi sinh hoạt, hội họp của những người cao tuổi. Khu sân đình được bài trí thoáng rộng với hòn non bộ, cây si, cây đa rủ bóng...
Đến thăm đình Hùng Lô, không chỉ được nghe những điển tích lịch sử để thêm hiểu, tự hào về truyền thống, nguồn cội; du khách còn được chiêm ngưỡng những giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao đặc trưng thời Hậu Lê trên gỗ, gốm, chủ yếu tập trung tại tòa Đại đình. Nơi đây cũng còn lưu giữ được tương đối đầy đủ các đồ thờ tự như đỉnh, đèn, lư hương, hạc... bằng gốm, đồng chạm khắc tinh xảo; tiêu biểu nhất là năm cỗ kiệu sơn son thếp vàng, hệ thống 43 câu đối... Kể từ khi được đưa vào phục vụ tham quan, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, du khách đặt lịch đến thăm đình Hùng Lô còn được phục vụ hát Xoan ngay tại cửa đình. Điểm đặc biệt là những giai điệu của loại hình di sản văn hóa phi vật thể này khi được thể hiện qua tiếng hát, điệu nhảy của những người con sinh ra và lớn lên nơi phường xoan gốc Hùng Lô bỗng trở nên hấp dẫn và có sức lôi cuốn kỳ lạ.
Làm nên vẻ cổ kính kỳ diệu của làng cổ Hùng Lô, ngoài đình cổ còn phải kể tới những ngôi nhà cổ. Hiện xã Hùng Lô còn lưu giữ được gần 50 ngôi nhà cổ có tuổi đời từ một trăm đến hai trăm năm. Nguyên liệu làm nhà đều từ gỗ, tre, nứa và được chạm khắc các biểu tượng như long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai. Các ngôi nhà hầu như được thiết kế theo kiểu ba gian với hệ thống cửa sổ, cửa ra vào thông thoáng, phía trước là khoảnh sân rộng. Hiện nơi đây đã có một số gia đình kinh doanh du lịch homestay, cho khách tham quan kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống. Ý thức được giá trị của những ngôi nhà cổ đối với du lịch và văn hóa nên người dân đang ra sức tôn tạo, bảo tồn. Điều đặc biệt hấp dẫn là ngoài vẻ đẹp cổ kính cùng các giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, Hùng Lô còn là ngôi làng sở hữu kỹ thuật làm miến truyền thống. Đây không chỉ là nghề gia truyền mang đến thu nhập cho các hộ gia đình mà còn đang dần trở thành sản phẩm du lịch thú vị cho làng cổ. Đến với Hùng Lô, du khách sẽ được tìm hiểu về các công đoạn làm miến, được nếm thử đặc sản nổi tiếng của ngôi làng này và nếu có nhu cầu, còn được tham gia trải nghiệm một số công đoạn làm miến.
Với hình thức kết hợp du lịch tâm linh - làng nghề dựa trên tài nguyên văn hóa, lịch sử dồi dào, làng cổ Hùng Lô hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến ngày càng được nhiều du khách trong, ngoài nước biết đến. Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ Phùng Hoa Lê cho biết: Tỉnh đang quy hoạch lại không gian điểm du lịch văn hóa đình Hùng Lô thành điểm đến tâm linh, bước đầu hình thành tuyến tham quan: Đền Hùng - đình Hùng Lô. Trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là người dân để hoàn thiện các sản phẩm du lịch cộng đồng như: dịch vụ homestay tại làng cổ, tham quan bằng xe đạp... Việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sẽ giúp du khách đến với vùng đất Tổ không chỉ trong dịp giỗ Vua Hùng mà kéo dài suốt cả năm./.
ST