Đầu năm 2018, nhiều tựa sách văn học nước ngoài thú vị được các nhà xuất bản trong nước giới thiệu tới độc giả Việt Nam.
Nhà văn Michel Bussi - tác giả của "Mẹ đã sai rồi." (Ảnh: michel-bussi.fr)
“Mẹ đã sai rồi” (Michel Bussi)
Trong “Mẹ đã sai rồi,” Malone - một đứa trẻ ba tuổi rưỡi khăng khăng nói rằng, bố mẹ hiện tại của cậu bé không phải là bố mẹ thật; đồng thời, cậu luôn kể về một cuộc sống trước đây (với một ngôi nhà, một người mẹ hoàn toàn khác) với những chi tiết vừa cụ thể lại vừa mông lung.
Không ai tin lời Malone ngoại trừ bác sỹ tâm lý Vasile. Anh đã tìm đến sự hỗ trợ của thiếu tá cảnh sát Marianne Augresse. Đây thực sự là một cuộc chạy đua với thời gian bởi theo Vasile, do đặc tính của lứa tuổi, ký ức của Malone chẳng mấy chốc sẽ bị xóa nhòa, thay thế bởi những ký ức mới.
Trong quá trình cùng bác sỹ Vasile đi tìm sự thật, Marianne Augresse đồng thời phải truy bắt hai thủ phạm của một vụ cướp có vũ khí. 10 tháng sau ngày xảy ra vụ cướp, cảnh sát vẫn lần theo dấu vết của hai kẻ đào tẩu Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, họ để tuột khỏi tay hai kẻ đào tẩu bị thương nặng đúng vào phút chót một cách khó hiểu.
Hai vụ án buộc thiếu tá Marianne Augresse phải đau đầu thực chất lại chỉ là một kế hoạch đã được dày công sắp đặt bởi một nhân vật mà cô không thể ngờ tới.
Michel Bussi là một trong những tác giả best-seller ở mảng truyện trinh thám của Pháp. Trước “Mẹ đã sai rồi,” một số tác phẩm của Michel Bussi đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt: “Hoa sung đen,” “Xin đừng buông tay”…
“Một gánh xiếc qua” (Patrick Modiano)
Cũng giống như nhiều sáng tác khác của Patrick Modiano - chủ nhân giải Nobel Văn học 2014, “Một gánh xiếc qua” không tạo cho người đọc những dằn vặt, suy tư nặng nề.
Ngược lại, chúng đưa độc giả đến với thế giới của tuổi trẻ - nơi chứa đựng cả vẻ huyễn hoặc khó lý giải và sự tinh tế. Ở đó có cả nỗi hoang mang và lòng can đảm, gói trọn cả những nỗi đau và sự hân hoan, tràn đầy năng lượng. Dưới ngòi bút của Patrick Modiano, nỗi buồn cũng trở nên nhẹ bẫng…
Có thể hình dung, “Một gánh xiếc qua” giống như một chương đặc biệt của bản nhạc dài (bao gồm cả “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” và “Từ thăm thẳm lãng quên”). Đó là một bản nhạc da diết với lời nhắn gửi: dẫu ở độ tuổi nào, bao giờ người ta cũng quá trẻ khi sống ở Paris!
“Yêu dấu” (Toni Morrison)
“Yêu dấu” không đơn giản và đương nhiên, không hề dễ đọc và không hề dễ chịu. Tác phẩm của Toni Morrison nhìn thẳng vào vực thẳm của chế độ nô lệ, biến lịch sử thành một câu chuyện dữ dội và rúng động.
Lấy bối cảnh ở vùng Ohio, “Yêu dấu” là câu chuyện xúc động và đầy ám ảnh về thân phận người nô lệ da đen trên đất Mỹ. Seth - nhân vật chính của tác phẩm là một người phụ nữ đen xinh đẹp và kiêu hãnh. Sau cuộc bỏ trốn, cô vượt thoát được thân phận nô lệ nhưng không thoát khỏi những ám ảnh của nó.
Sau những dằn vặt về sự ác nghiệt của số phận và lòng người, cuốn tiểu thuyết vẫn là câu chuyện đẹp đẽ về sự kiên cường, tình yêu, khát vọng sống và khát vọng tự do mãnh liệt đến bạo liệt của con người.
Nữ văn sỹ Toni Morrison. (Ảnh: The Guardian)
Nữ văn sỹ Toni Morrison là chủ nhân của giải Nobel Văn học 1993 và giải Pulitzer 1988. “Yêu dấu” là một trong những tác phẩm thành công nhất của bà.
“Cò súng tử thần” (Anthony Horowitz)
Đây là một tiểu thuyết về siêu điệp viên James Bond do tác giả Anthony Horowitz viết dựa trên các di cảo của Ian Fleming. James Bond đã giành chiến thắng trước tên tội phạm đầu sỏ Auric Goldfinger nhưng một cuộc chiến mới đã lại bắt đầu.
Cùng với cô nàng Pussy Galore lộng lẫy, Bond trở về nhà và chỉ biết rằng, một tổ chức gián điệp đối thủ đang lên kế hoạch phá hoại một giải đua xe quốc tế. Bond có nhiệm vụ ngăn chặn âm mưu này.
Thế nhưng, trò chơi mèo đuổi chuột tốc độ cao đầy kịch tính trên đường đua ấy thực chất chỉ là khúc dạo đầu. Cuộc chạm trán tình cờ với một tay tỷ phú bí ẩn còn dẫn Bond tới những âm mưu nham hiểm hơn./.
Theo AN NGỌC (VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/nhung-tua-sach-van-hoc-nuoc-ngoai-thu-vi-den-voi-doc-gia-viet/485942.vnp