Cập nhật: 30/01/2018 10:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, theo con số công bố của Tổ chức Y tế Thế gới (WHO), ít nhất 40% số nạn nhân tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện có vi phạm nồng độ cồn gây ra tai nạn.

 

Cảnh sát giao thông tiến hành đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thông tin trên được đưa ra tại buổi công bố và ký kết chương trình hợp tác thực hiện chuỗi hoạt động “Uống có trách nhiệm và An toàn giao thông năm 2018” giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á Thái Bình Dương (APIWSA) vào chiều ngày 29/1.

Theo ông Hùng, có rất nhiều lý do để người dân uống rượu và một số người thích uống rượu. Tuy nhiên, Nhà nước và người dân cần có những hành động ngăn chặn tác hại của việc lạm dụng rượu nói riêng và đồ uống có cồn nói chung đối với sức khỏe con người và an toàn giao thông.

“Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam uống rượu và uống thường xuyên là rất thấp, trong khi tỷ lệ thống kê đa số đàn ông gây tai nạn giao thông cao. Mỗi ngày ở nước ta vẫn còn khoảng 22 người tử vong do tai nạn giao thông,” vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay.

Năm 2018, chương trình sẽ tập trung vào các hoạt động chính như đào tạo nâng cao hiệu quả công tác thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến nồng độ cồn và nâng cao nhận thức “Đã uống rượu, bia-Không lái xe” đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; truyền thông nâng cao nhận thức về uống có trách nhiệm tại cộng đồng, giáo dục cho học sinh phòng tránh lạm dụng đồ uống có cồn; nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu bia đến hành vi điều khiển môtô, xe gắn máy.

Thừa nhận quy định xử phạt nồng độ cồn đã được đưa vào Luật giao thông, tuy nhiên ông Hùng đánh giá, cũng giống như quy định đội mũ bảo hiểm, Việt Nam là một quốc gia được ghi nhận tuyên truyền, phóng chống xử lý nồng độ cồn nhưng hiệu quả chưa cao đó là thói quen, tập quán bởi uống rượu bia trở thành văn hóa, không chỉ ở nước ta mà hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Đưa ra giải pháp hiệu quả nhất, ông Hùng cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần thực hiện một cặp hành động đó là tuyên truyền và xử phạt.

“Các chế tài, xử phạt làm thông điệp tuyên truyền. Xử phạt chính là một trong phần của giáo dục tuyên truyền. Ở các tuyến đường khi xuất hiện lực lượng tuần tra kiểm soát đó là thông điệp của việc hành động này cần phải ngăn chặn và xử phạt đến người dân,” ông Hùng nói.

 

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ký kết APIWSA về hợp tác thực hiện chuỗi hoạt động uống có trách nhiệm và an toàn giao thông năm 2018. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nhằm nâng cao văn hóa uống có trách nhiệm, giảm thiểu tác hại đến việc sử dụng đồ uống có cồn, ông Cyril Sayag, Phó Chủ tịch đối ngoại, bền vững và trách nhiệm xã hội của ASPIWSA cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các doanh nghiệp, với các tổ chức xã hội để tạo ra các giá trị bền vững cho cộng đồng.

Với trách nhiệm là một công dân, ông Cyril Sayag cho rằng, hành vi lái xe uống rượu bia khi điều khiển phương tiện có thể ảnh hưởng tới người xung quanh. Từ đó, ông đưa ra thông điệp đơn giản “người tốt đã uống rượu, bia thì không lái xe”./.

Theo VIỆT HÙNG (VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/40-nan-nhan-tai-nan-giao-thong-do-lai-xe-uong-ruou-bia-gay-ra/486319.vnp

Tệp đính kèm