Vào mùa lạnh, do phải làm việc trong môi trường lạnh hoặc nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột khiến con người có thể gặp một số vấn đề sức khỏe, dễ mắc các bệnh như: Cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu... Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp dự phòng phù hợp.
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Sa Pa (Lào Cai) khám bệnh cho người dân.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh mùa lạnh gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc ở ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, gió rét, thiếu ánh nắng mặt trời (người lao động nông nghiệp, công nhân…); những người mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp...
Để dự phòng lạnh cho người dân, nhất là người già và trẻ em, cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh (trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng); khi ra ngoài nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa; luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt, nhất là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh… Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than; không nên uống rượu, bia vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Không nên tắm sau 22 giờ, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng; sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể. Cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày; súc miệng bằng nước ấm có pha muối loãng giúp sát trùng cổ, họng và hạn chế viêm họng. Thường xuyên rửa tay với xà-phòng để loại bỏ vi khuẩn; tiêm vắc-xin để phòng ngừa bệnh cúm. Ăn, uống đủ chất bảo đảm năng lượng cho cơ thể chống rét. Trong bữa ăn hằng ngày cần bổ sung đầy đủ bốn nhóm chất cơ bản (tinh bột, chất đạm, chất béo, vi-ta-min và khoáng chất). Đối với người lao động nặng, người cao tuổi, trẻ em cần cung cấp lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vi-ta-min nhiều hơn so với những mùa khác nhằm tăng cường nhiệt lượng cho cơ thể chống rét; bổ sung vi-ta-min A, vi-ta-min C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tránh ăn uống đồ lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể nhiễm lạnh.
Đối với những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp... đã được chẩn đoán thì phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Rèn luyện thân thể, tập thể thao thường xuyên giúp làm ấm cơ thể, nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết lạnh.
Đối với những người phải làm việc trong thời tiết lạnh, cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm; giữ người, tay chân khô ráo, tránh ẩm ướt…; đeo khẩu trang trong khi làm việc để bảo vệ đường hô hấp. Trong những ngày mưa rét, làm việc ngoài trời, phải trang bị và sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động vì quần áo, đầu tóc ướt sẽ làm mất nhiệt nhanh chóng khiến cơ thể bị nhiễm lạnh. Khi ra ngoài trời lạnh, nhất thiết phải mặc ấm, nhất là giữ ấm cổ và ngực. Trong lúc lao động, nếu thấy người nóng lên thì nên cởi bớt áo dần dần. Để có đủ nhiệt lượng lao động và chống rét, người lao động cần ăn, uống đầy đủ chất, nhất là chất béo, glu-xít và nên ăn uống nóng.
Để dự phòng nhiễm độc khí CO (đi-ô-xít các-bon) trong nhà, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh, buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí lưu thông và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng. Không nên để các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi…) gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi, nguy cơ bỏng và cháy cao. Khoảng cách tốt nhất khi đặt các máy sưởi này là 1 đến 2 m và nên để chế độ quay với mục đích làm ấm phòng là chính, không nên chiếu sưởi trực tiếp vào người bởi các nguy cơ nêu trên.
Khi có các biểu hiện: Đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay... cần lưu ý giữ ấm cơ thể và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe. Các bác sĩ nhấn mạnh, thời tiết lạnh gây tăng thêm gánh nặng cho tim, do vậy với người bị bệnh tim, huyết áp nên khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.
Theo Minh Hoàng /Chinhphu.vn