Những ngày gần đây, dư luận xôn xao, bất bình về vụ cháu bé bị tiêm nhầm ka-li vào tĩnh mạch. Đó là sự cố gây hậu quả hết sức đau lòng. Nỗi đau càng tăng khi nạn nhân là cháu bé tám tháng tuổi, là con đầu lòng của người mẹ “rất vất vả mới sinh được cháu”.
Mặc dù những quy định, những hướng dẫn chuyên môn của ngành y là rất nghiêm ngặt, nhưng tại sao đâu đó vẫn xảy ra những ca tai biến nghiêm trọng trong điều trị do sai lầm chủ quan của con người? Cứ mỗi lần xảy ra tai biến lại thành lập hội đồng chuyên môn, kiểm điểm, rút kinh nghiệm để tìm ra nguyên nhân… Việc đó cần, nhưng chưa bao giờ đủ, khi nguyên nhân chính không được chỉ rõ. Thế là những câu hỏi tại sao lại được đặt ra để giải đáp những sự việc đã rồi, nhiều khi quy kết lỗi là do yếu tố khách quan đem lại, nào là người bệnh đông, quá tải, phương tiện thiếu, làm thêm giờ nhiều, bàn giao không rõ ràng... Gần như kết quả giải quyết không thu được là bao, cuối cùng vẫn chỉ là kỷ luật cán bộ. Nhưng cần phải thừa nhận, nguyên nhân cốt lõi ít được đề cập, đó là chất lượng đào tạo cán bộ trong ngành y.
Sự dễ dãi trong đào tạo, đào tạo tràn lan ở những nơi không đủ trình độ năng lực, không có cơ sở thực hành đầy đủ, liên kết giữa các trung tâm để đào tạo. Quản lý nhà nước vẫn lỏng lẻo, thẩm định đào tạo chủ yếu chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều sinh viên ra trường chỉ có lượng mà không có chất. Tất cả hệ lụy đó, ngành y tế phải gánh chịu và hơn nữa cuối cùng vẫn là người bệnh phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Thử hỏi, một bác sĩ sản khoa ra trường không biết gì về “tắc mạch ối”, không biết sự nguy hiểm của “rau tiền đạo”, làm sao tiên lượng được nguy hiểm để đề phòng và điều trị? Một điều dưỡng không hiểu ka-li tiêm trực tiếp tĩnh mạch không được pha loãng là cấm kị, vì nó gây ngừng tim ngay tức khắc, vậy mà vẫn tiêm là sao?
Nhân lúc đang tranh luận chỗ này đào tạo bác sĩ, chỗ kia mở ngành điều dưỡng, hôm đi công tác tại TP Hồ Chí Minh, một giáo sư khả kính vừa có thâm niên đào tạo vừa rất uy tín trong khám chữa bệnh nói với tôi rằng: “Em có biết không, ở trong này, họ nói trường chữa bệnh cho động vật lấy 21 điểm (trường thú y), mà chữa bệnh cho người lại lấy 18 điểm”(!) Thật xót xa và thấm thía!
Đã đến lúc, chúng ta phải siết chặt kỷ cương trong đào tạo, thẩm định lại những nơi nào thật sự có chất lượng, đầy đủ năng lực về con người, về cơ sở vật chất mới cho đào tạo ngành y. Những người tham gia đào tạo phải thật sự nghiêm khắc với bản thân mình với thế hệ tương lai đặc biệt là với sinh mạng con người. Có như vậy, sản phẩm "ra lò" mới thật sự là những người vừa giỏi chuyên môn, vừa sáng tâm y đức, để ngành y đỡ mất uy tín, người bệnh hết khổ. Một điều nữa, Nhà nước nên bỏ chương trình đào tạo điều dưỡng trung cấp hai năm vì không thể đủ trình độ để chăm sóc người bệnh sau này. Đối với những điều dưỡng trung cấp đã ra trường đi làm ở các bệnh viện, phải tổ chức đào tạo lại ở các cơ sở chính quy theo chương trình cụ thể. Cần sớm thành lập hội đồng y khoa độc lập gồm những chuyên gia giỏi, tâm huyết trong từng lĩnh vực để kiểm tra, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn dựa trên chuẩn năng lực và cập nhật kiến thức mới hằng năm.
Làm được điều đó, chúng ta sẽ có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chất lượng, đủ sức hoàn thành mục tiêu cao cả là "trị bệnh cứu người" và hạn chế đến mức thấp nhất những tai biến y khoa trong khám, chữa bệnh.
PGS, TS NGUYỄN TIẾN QUYẾT Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam
Theo nhandan.com.vn