Cập nhật: 05/02/2018 14:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cứ vào dịp cuối năm, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm an toàn, được sản xuất và phân phối tràn lan trên thị trường, với mức độ ngày càng tinh vi, gây bức xúc, bất an trong nhân dân và doanh nghiệp.

Tiêu hủy hàng giả.

Ngày 13-1, Phòng Cảnh sát kinh tế TP Cần Thơ đã phát hiện, tạm giữ để xử lý hơn 2.000 sản phẩm rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo tại Công ty Thương mại dịch vụ Thanh Loan ở quận Ninh Kiều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Thực tế cho thấy, tình trạng làm hàng giả, nhất là rượu giả trên thị trường ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi cả màu sắc và mùi hương, chứa hàm lượng chất độc cao, gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng (NTD). Đặc biệt nghiêm trọng là vụ ngộ độc tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ngày 13-2-2017 đã làm 69 người bị ngộ độc, trong đó có chín người tử vong.

Bộ trưởng Công thương đã ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm công điện Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu, tập trung vào chất lượng an toàn thực phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, công bố hợp quy, ghi nhãn, quảng cáo và điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh rượu, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, sản xuất rượu bằng phương pháp thủ công, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức; Chủ động thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm…

Ngày “Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam” năm 2017 đã được phát động với chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một nội dung và thước đo quan trọng hàng đầu của trách nhiệm xã hội trong văn hóa doanh nghiệp. Hơn nữa, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 (Điều 38 và Điều 43) đã khẳng định: Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường và nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật số 59/2010/QH12 thông qua ngày 17-11-2010), cũng xác định rõ tám quyền cơ bản của NTD, trong đó nổi bật là quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua, sử dụng; Được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; Được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ… Nhưng trên phạm vi cả nước và mỗi địa phương, hiện vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế về cơ sở pháp lý, nhận thức, sự quan tâm và hiệu lực, hiệu quả trong việc triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD. Tình trạng doanh nghiệp cố tình vi phạm quyền lợi NTD còn khá phổ biến, nhất là tình trạng sản xuất, cung cấp các hàng giả, hàng không an toàn.

Thực tế cả trong nước và quốc tế đều cho thấy: Thực thể kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ khó hoặc không tự nguyện coi quyền lợi của NTD là mục đích cao nhất, nếu không có luật pháp, cũng như các thể chế kinh tế xã hội và cạnh tranh thị trường tương ứng để buộc họ tuân thủ. Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, bảo đảm quyền của NTD không thể trông cậy thụ động và khoán trắng cho doanh nghiệp, mà tùy thuộc ngày càng chặt chẽ vào sự nhận thức đầy đủ, sâu sắc, sự hoàn thiện luật pháp và sự chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và chính cộng đồng NTD.

Nói cách khác, cần có cả hệ thống pháp luật đồng bộ và vận hành đầy đủ các thể chế thị trường lành mạnh, cũng như dư luận xã hội tạo áp lực để doanh nghiệp và người kinh doanh tự nhận thức, điều chỉnh hành vi, thực thi các quy định, bảo đảm quyền của NTD được tiếp cận, tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ an toàn, thuận lợi, với chất lượng cao và giá cả phù hợp; được tiếp nhận nhanh và xử lý thỏa đáng những khiếu nại về chất lượng hàng hóa và dịch vụ… Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển lành mạnh hoạt động kinh doanh của mình và xã hội.

Nhà nước cần tăng cường năng lực thể chế chính thức và phi chính thức, từ trung ương đến địa phương để bảo vệ quyền NTD trên cả nước và trong mọi khâu, từ nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho đến phân phối và tiêu dùng; điều chỉnh và cụ thể hóa các chính sách, cơ chế hoạt động, quy trình tiếp nhận, xử lý tranh chấp giữa người tiêu dùng và người cung cấp hàng hóa; luật hóa các tiêu chuẩn chất lượng và các “hàng rào kỹ thuật” quốc gia; đề cao sự minh bạch nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Kiện toàn bộ máy và phân công rõ ràng, trách nhiệm cá nhân cụ thể, tăng cường kết nối và kiểm tra theo quy trình đồng bộ, với các chế tài nghiêm khắc nhất, nhận diện và loại trừ nhanh chóng, kiên quyết những hành vi vô cảm, vô trách nhiệm, vô đạo đức và những biểu hiện phi nhân văn, ích kỷ; đồng thời hỗ trợ tích cực cho các tổ chức xã hội, bảo vệ quyền an toàn người tiêu dùng.

Các bộ, ban, ngành địa phương cần được phân công và phối hợp trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và cá nhân được giao; đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật; Đồng thời tăng cường thanh tra kiểm tra, nhận diện đúng và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan tổ chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi NTD, khuyến khích thành lập và giới thiệu các tổng đài, số điện thoại nóng, các trang tin và các văn phòng bảo vệ NTD nhằm tăng cường kết nối, cập nhật các thông tin về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD; tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của NTD; tăng cường các hoạt động tuyên truyền đa dạng, thiết thực để giúp NTD nhận thức rõ hơn về quyền của mình và cách thức hợp tác với các cơ quan chức năng để giải quyết quyền lợi của mình.

Bản thân NTD cũng cần nhận thức đây đủ về quyền và nghĩa vụ của mình, vượt qua tâm lý ngại khiếu nại, ngại thủ tục, sợ tốn thời gian và chi phí…để chủ động hơn trong thực thi quyền người tiêu dùng, tạo áp lực xã hội và thị trường đủ mạnh, nhằm ngăn chặn và trừng phạt nghiêm khắc các hành vi sai trái của người kinh doanh chỉ biết chạy theo lợi nhuận, coi thường lợi ích NTD và xã hội.

Doanh nghiệp vì quyền lợi NTD là doanh nghiệp ngày càng đề cao đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, tuân thủ các quy chuẩn công nghệ sản xuất và minh bạch hóa các chỉ tiêu chất lượng, phát triển các dịch vụ hậu mãi thân thiện, tiện lợi cho NTD. Những doanh nghiệp thành công luôn là những doanh nghiệp có triết lý kinh doanh ưu tiên hướng về NTD, coi NTD không chỉ là khách hàng, mà còn là tài sản của doanh nghiệp. Bảo đảm quyền NTD phải trở thành nhận thức chung, thước đo nhân quyền, và mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời là động lực cho sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp và đất nước…

 

Theo TS NGUYỄN MINH PHONG /nhandan.com.vn

Tệp đính kèm