Trở về từ những hải trình xa xôi, đầy may rủi, nhiều ngư dân Quảng Ngãi đã phần nào nhận thức được việc không thể tiếp tục các cuộc “phiêu lưu” ở vùng biển nước ngoài. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, họ đang bắt đầu một hành trình mới - đóng mới tàu thuyền ra khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Ngư dân Quảng Ngãi đầu tư hoán cải tàu để yên tâm ra khơi, bám biển.
Những chuyến đi biển đầy rủi ro
Giữa trưa nắng hiếm hoi của ngày đầu năm, ngay cửa cảng Sa Kỳ, ngư dân Tiêu Viết Nhung cùng anh em thợ thuyền lúi húi trong những ngăn hầm sâu bên trong con tàu mới đóng QNg 95028. Các công đoạn cải hoán tàu gần như đã hoàn tất chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Anh Tiêu Viết Nhung nhớ lại, tháng 5-2016, tàu QNg 90947 có công suất 820 CV trong chuyến săn hải sâm, anh cùng 11 ngư dân đã bị bắt giữ do vi phạm vùng biển của Ô-xtrây-li-a. Sau hai tháng tạm giam, bị tịch thu phương tiện, anh cùng các thuyền viên được trả về nước. Trắng tay sau chuyến biển, nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định không đi đánh bắt hải sâm, không xâm phạm các vùng biển nước ngoài nữa.
"Mình bị bắt thì coi như mất hết. Giờ chuyển sang nghề câu và đánh bắt hải sản sống thì phải đầu tư đóng lại tàu, cải hoán phù hợp để chứa hải sản tươi sống, mỗi chuyến cũng kiếm được mươi lăm triệu đồng, ít hơn hải sâm nhưng an toàn và yên tâm hơn trước. Ðằng kia cũng có mấy chiếc tàu đang sửa lại đó" - vừa nói, anh Nhung vừa chỉ thẳng tay về hướng cửa cảng.
Cũng tình cảnh như anh Nhung, ngư dân Trương Quang Thiên lôi trong tủ ra hàng đống giấy tờ, chứng nhận, giấy phép khai thác, sổ đăng kiểm cùng nhật ký hành trình "sạch" của mình. Hơn hai tuần qua, anh tạm dừng đi biển để cải hoán lại tàu, tăng công suất chứa hải sản. Anh Thiên kể, năm 2014 anh cùng bạn biển đánh liều sang Palau bắt hải sâm. Thời điểm đó, hai tàu của anh cùng một tàu bạn bị bắt giữ. Hai tháng sau trở về, anh mất trắng tài sản. Biết mình không thể "đánh đu" với nghề bắt hải sâm trong vùng biển các nước, anh Thiên tích góp tiền mua lại tàu cũ QNg 90677 hành nghề câu mực. Không còn nỗi lo cho những chuyến xa khơi chưa biết ngày về, những người đã từng bị bắt, bị mất trắng tài sản như anh Thiên hiểu được giá trị sự bình an trên từng chuyến đi biển.
Những năm trước, không ít ngư dân Quảng Ngãi liều mình đi đánh bắt xâm phạm vùng biển một số nước. Sau lần bị bắt nhiều ngư dân trở nên trắng tay. Gánh nặng nợ nần, mưu sinh gia đình tiếp tục đè lên vai những người đàn ông của biển cả. Bất an, rủi may đánh đu với số phận trên những chuyến biển xa khiến nhiều ngư dân Quảng Ngãi đã dừng bước! Sau khi trở về, gom góp vay mượn có chút vốn, nhiều ngư dân hoán cải tàu thuyền để khai thác trên vùng lãnh hải của Tổ quốc.
Giúp ngư dân vươn khơi đúng pháp luật
Cảng Tịnh Hòa - nơi neo đậu hàng nghìn tàu thuyền ngư dân Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận. Một cán bộ biên phòng đưa chúng tôi đến khu vực "đặc biệt" của cảng - nơi những con tàu bị giữ nhiều tháng liền. Hàng chục tàu vi phạm khi đánh bắt ở ngư trường các nước trở về bị các ngành chức năng, địa phương Quảng Ngãi xử lý như phạt hành chính, "treo tàu" sáu tháng, các chủ phương tiện còn phải mất chi phí từ 20 -
30 triệu đồng thuê người trông coi tàu, bảo dưỡng thiết bị gìn giữ tàu trong thời gian bị "cấm vận".
Theo ông Phùng Bá Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, ngoài việc vận động ngư dân, địa phương cũng kiến nghị hỗ trợ cho ngư dân để họ vay vốn cải hoán lại tàu thuyền giúp ngư dân vươn khơi đúng pháp luật. Theo ngư dân Tiêu Viết Nhung chia sẻ: Những đợt tuyên truyền phổ biến pháp luật gần đây, nhất là thông tin việc bị EU "rút thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam luôn khiến ngư dân như chúng tôi cảm thấy có lỗi. Tất cả anh em trong họ của tôi và nhiều chủ tàu cá khác đều "nói không" với xâm phạm lãnh hải. Bây giờ hy vọng được sớm trở lại đánh bắt, bám biển
Hoàng Sa vừa góp phần bảo vệ chủ quyền, vừa kiếm thu nhập cho gia đình. "Chúng tôi mong Nhà nước, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ cho ngư dân để tiếp tục được ra khơi bám biển" - ngư dân Tiêu Viết Nhung cho biết.
Ðể ngăn chặn các tàu đánh bắt cá xâm phạm các vùng biển nước ngoài, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh. Một mặt tuyên truyền các quy định, pháp luật Việt Nam và luật của các nước liên quan đến hoạt động khai thác hải sản cho ngư dân vùng ven biển. Nhất là trước khi tàu xuất bến, các đồn biên phòng yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không xâm phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản; xóa tên bốn tàu cá xâm phạm vùng biển các nước ra khỏi danh sách xem xét hỗ trợ dầu theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ...
"Chúng tôi áp dụng các biện pháp không cho chủ tàu thuyền vi phạm hưởng các chính sách của Nhà nước trong 12 tháng, phạt tiền và tước giấy phép khai thác hải sản sáu tháng đối với chủ tàu cá vi phạm. Thậm chí sẽ xóa tên, buộc chuyển nghề đối với các tàu vi phạm nhiều lần" - ông Phùng Ðình Toàn, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi khẳng định.
Những biện pháp mạnh đã góp phần làm giảm số lượng tàu thuyền Quảng Ngãi vi phạm. Năm 2016, xã Bình Châu có 25 tàu cá xâm phạm vùng biển các nước, đến năm 2017 số tàu vi phạm giảm một nửa. Từ tháng 5-2017 đến nay, tình trạng tàu cá, ngư dân Quảng Ngãi vi phạm vùng biển nước ngoài được ghi nhận rất ít.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản cho biết: Từ xa xưa, nghề cá là nghề nhân dân "điền tư ngư chung" cho nên chúng ta hoàn toàn mở với nghề cá, ngư dân đóng tàu xin giấy phép là được hành nghề. Trong khi chúng ta không có sự khống chế về số lượng tàu thuyền, hải sản và thiếu đi các công cụ quản lý; không có các thiết bị giám sát tàu cá trên biển; khi tàu ra khỏi cửa biển chỉ có biển mới biết tàu đi đâu về đâu... "Hiện nay Chính phủ đang đưa nghề cá vào diện có quản lý, bắt buộc chúng ta phải gắn những trang thiết bị trên tàu giám sát hằng ngày, hằng giờ. Ðặc biệt khi tàu vượt ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ bị xử lý..." - ông Tuấn khẳng định.
Ðã biết giá trị của những cuộc đi biển mạo hiểm và điểm dừng cần phải có, những ngư dân lão luyện của Quảng Ngãi đã trở về. Và họ sẽ tiếp tục cho hành trình mới - hành trình ra khơi, bám biển an toàn, góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Theo Trà Minh Nam/nhandan.com.vn