Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân, nhu cầu các loại thực phẩm nói chung, mặt hàng rượu nói riêng thường gia tăng đột biến. Đây cũng là cơ hội các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhiều loại rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Do vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu (NĐR) một cách hiệu quả.
Thượng tá Bùi Đức Anh, Phó Trưởng phòng 7, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) cho biết: Theo báo cáo của Bộ Công thương, thị trường Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 270 triệu lít rượu/năm. Các loại rượu được tiêu thụ trên thị trường từ ba nguồn chủ yếu: rượu nhập khẩu; rượu sản xuất từ các doanh nghiệp có quy mô công nghiệp ở trong nước; rượu sản xuất từ các hộ gia đình, làng nghề nấu bằng phương pháp thủ công. Đáng lo ngại, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là rượu sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Các vụ NĐR vẫn xảy ra với tính chất, mức độ khác nhau, trong đó có một số vụ NĐR có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như: NĐR tại tỉnh Lai Châu (năm 2017) làm 10 người chết, hơn 40 người phải nhập viện. Riêng tại TP Hà Nội, năm 2017, có 31 người bị ngộ độc methanol do uống rượu, trong đó có năm người chết.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ NĐR thời gian qua chủ yếu là do các đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép để bán cho người tiêu dùng gây ngộ độc cấp tính; nạn nhân có tiền sử nghiện rượu, hoặc mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa, khi sử dụng rượu quá giới hạn gây ra ngộ độc đe dọa tính mạng. Nhận thức, hành vi đúng về chế biến, lựa chọn, tiêu dùng rượu của người tiêu dùng chưa cao, nhu cầu sử dụng rượu rất cao về số lượng, nhu cầu sử dụng rượu không an toàn và lạm dụng rượu không rõ nguồn gốc, rượu giá rẻ, rượu ngâm bất kỳ cây, con gì còn phổ biến; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn đối với sản phẩm rượu, nhất là nấu rượu thủ công còn rất nhiều hạn chế…
Phó Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế) TS Nguyễn Hùng Long cho biết: Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2017, cả nước đã xảy ra 28 vụ NĐR, làm 193 người ngộ độc, trong đó có 34 người chết. Ngoài ra còn ghi nhận một số trường hợp lẻ tẻ có tiền sử nghiện rượu uống cồn y tế gây ngộ độc bị chết hoặc gây di chứng ảnh hưởng sức khỏe như mù, rối loạn tâm thần… Qua theo dõi các vụ NĐR cho thấy, chủ yếu thường gặp gồm hai loại là: Ngộ độc etylic (còn gọi là rượu ethanol), với những biểu hiện như: Cấp tính, giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (người uống thấy sảng khoái, nói nhiều, vận động phối hợp bị rối loạn…). Giai đoạn ức chế biểu hiện giảm phản xạ gân xương, tri giác, mất khả năng tập trung và giãn mạch ngoại vi. Đến khi mạn tính, uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, ỉa chảy do tổn thương gan và ruột, da xanh tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, rối loạn tâm thần… Ngộ độc methylic (methanol), là một hóa chất cực độc, chỉ cần uống từ 5ml đến 15ml có thể gây ngộ độc nặng, từ 15ml trở lên đã gây mù lòa và 30ml có thể gây chết người. Đáng lo ngại, trong tổng số các vụ NĐR giai đoạn từ 2013 đến 2017, rượu có hàm lượng methanol chiếm bảy vụ, làm 106 người ngộ độc và 23 người chết (chiếm đến 67,6% tổng số người chết do NĐR)…
Dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội mùa xuân, nhu cầu các loại thực phẩm nói chung, các loại rượu nói riêng thường gia tăng đột biến. Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATTP, thì còn rất nhiều cơ sở, cá nhân lợi dụng thời điểm này có các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu không bảo đảm ATTP, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, pha chế, kinh doanh rượu, trong đó tập trung vào rượu pha chế thủ công; kiểm tra nguồn gốc rượu tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cửa hàng tạp hóa. Củng cố hệ thống giám sát và phòng, chống ngộ độc thực phẩm do rượu về nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật, kiểm nghiệm ATTP của rượu; thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm, phân tích, đánh giá kịp thời để cảnh báo cho cộng đồng. Tổ chức ký cam kết trách nhiệm không kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu không có nhãn mác, rượu không công bố sản phẩm theo quy định; yêu cầu công khai địa chỉ nguồn gốc rượu và giấy chứng nhận, cam kết ATTP cho khách hàng tại từng cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ngộ độc methanol, tác hại của việc sử dụng rượu không an toàn, không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn mác, không công bố sản phẩm, nhất là không lạm dụng uống nhiều rượu trong dịp Tết. Đối với người tiêu dùng, không nên uống quá nhiều rượu; tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận, rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật, nhất là không được uống rượu khi đang đói, căng thẳng, hay mệt mỏi. Khi uống rượu có triệu chứng NĐR như mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, nôn…, cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Mới đây, Bộ Công thương cũng đề nghị chính quyền các địa phương cần tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là rượu tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng cồn công nghiệp, methanol và các hóa chất có nguy cơ bị lạm dụng trong pha chế rượu; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm do cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP tại địa phương do mình phụ trách.
Theo TRUNG TUYẾN/nhandan.com.vn