Cập nhật: 19/02/2018 11:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những ngày nghỉ Tết, lãnh đạo Bộ Công an đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác thường trực chiến đấu, bảo vệ Tết ở các địa bàn trọng điểm.

Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội điều tiết giao thông dịp Tết tại ngã tư Hàng Bông - Đường Thành, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: ANH SƠN

Đồng thời, kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo đảm AN-TT tại các địa bàn chiến lược, các thành phố lớn và một số đơn vị... Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, các đơn vị trực thuộc Bộ và Công an các tỉnh, thành phố đã chủ động có kế hoạch cụ thể, tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, tăng cường công tác nắm tình hình, xử lý kịp thời các vụ việc đột xuất, phức tạp xảy ra. Công an các địa phương báo cáo cấp ủy, chính quyền có văn bản chỉ đạo các ngành, đoàn thể tích cực vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; nhiều đơn vị đã sớm chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp các ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ngay từ những ngày đầu tháng 2-2018. Tăng cường biện pháp quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội, khắc phục những sơ hở, thiếu sót nhằm phòng ngừa các đối tượng lợi dụng dịp Tết để phạm tội. Đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sử dụng vũ khí “nóng”, tội phạm đâm thuê, chém mướn và đòi nợ thuê, tội phạm công nghệ cao.

Tình hình AN-TT trên toàn quốc trong dịp Tết được bảo đảm tốt. Không xảy ra khủng bố phá hoại. Trong đó, lực lượng công an đã bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các hoạt động lễ hội, vui chơi, giải trí, các điểm bắn pháo hoa đêm Giao thừa tại các thành phố lớn.

Trong bốn ngày (từ ngày 14-2 đến 17-2), lực lượng công an các địa phương đã phát hiện, đấu tranh và xử lý 261 vụ phạm pháp hình sự. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các địa phương phát hiện, xử lý tại hiện trường 60 vụ tai nạn cháy. Các vụ cháy đã làm chết bốn người, bị thương ba người, thiệt hại tài sản đang thống kê; xảy ra một vụ tai nạn nổ làm chết một người.

Người dân và du khách vui xuân, đón Giao thừa tại TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ LÂM

Tại Hà Nội, Công an thành phố đã phối hợp các ban, sở, ngành, đoàn thể, chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện các kế hoạch, phương án bảo đảm AN-TT. Trong đó, đã bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu trọng điểm, các hoạt động thăm, chúc Tết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các chương trình biểu diễn nghệ thuật, 30 điểm bắn pháo hoa chào mừng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Trung tâm Cảnh sát 113 tiếp nhận 2.523 cuộc điện thoại gọi đến, trong đó có 122 tin liên quan đến an ninh, trật tự, huy động 488 lượt cán bộ, chiến sĩ, 122 lượt phương tiện đến hiện trường giải quyết vụ việc. Bắt giữ, bàn giao bốn vụ, năm đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự cho đơn vị chức năng xử lý theo thẩm quyền.

* Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, tai nạn giao thông (TNGT) có chiều hướng tăng cao đột biến. Sau bốn ngày, tình hình TNGT diễn biến phức tạp, cả nước xảy ra 155 vụ TNGT, làm 121 người chết và 120 người bị thương. Đáng chú ý, TNGT tăng cao, liên tục trong ba ngày từ 30 Tết đến mồng 2 Tết, trong đó nguyên nhân chủ yếu là hành vi lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy. Các nạn nhân phần lớn là người đi xe mô-tô, xe gắn máy; khu vực xảy ra TNGT chủ yếu tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị; các lực lượng chức năng còn có dấu hiệu nể nang, chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm...

Trong đó, ngày mồng 2 Tết (17-2) là ngày TNGT tăng cao nhất về số vụ và số người chết, bị thương, cả nước xảy ra 40 vụ TNGT (có một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng) và 14 vụ va chạm giao thông đường bộ, khiến 34 người chết và 36 người bị thương. Trước đó, ngày mồng 1 Tết, cả nước cũng xảy ra 35 vụ TNGT, làm 34 người chết và 35 người bị thương. Ngày 30 Tết, xảy ra 33 vụ TNGT, làm 33 người chết và 21 người bị thương. Trong ngày 29 Tết, xảy ra 22 vụ TNGT, làm 20 người chết và 28 người bị thương.

Đáng chú ý, vào hồi 11 giờ ngày 16-2, xe chở khách Mỹ Hiền, BKS 49B-009.32 do tài xế Trần Viết Ngọc Thiện, 31 tuổi điều khiển, lưu thông trên quốc lộ 20 theo hướng Đà Lạt - Dầu Giây, khi đến km 26+800 thuộc địa bàn xã Túc Hưng, huyện Định Quán (Đồng Nai) đã va chạm với xe máy BKS 60B4-546.09 do chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, 21 tuổi ở xã Phú Cường, huyện Định Quán điều khiển, chở theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, 52 tuổi cùng ngụ ở Định Quán đang lưu thông theo hướng ngược lại. Hậu quả, bà Nguyệt bị văng xuống đường chết tại chỗ, còn chị Hằng được chuyển đến bệnh viện nhưng cũng chết trên đường đi cấp cứu, xe máy hư hỏng nặng.

Lúc 18 giờ 30 phút ngày 16-2, tại tuyến đường hành lang ven biển phía nam, thuộc xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (Cà Mau) đã xảy ra vụ TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng giữa hai xe máy BKS 69F1-120.06 và BKS 68M6-9815, hậu quả làm chết ba người, một người bị thương, hai xe máy hư hỏng nặng. Trong ngày mồng 2 Tết, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ các địa phương đã tổ chức hơn 5.800 lượt tuần tra, kiểm soát trật tự ATGT đường bộ; phát hiện, xử lý 1.545 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 413 triệu đồng, tạm giữ 746 phương tiện vi phạm, 242 giấy tờ các loại, tước 67 giấy phép lái xe. Ủy ban ATGT quốc gia nhận được bảy tin báo về tình hình trật tự ATGT và TNGT của người dân phản ánh đến đường dây nóng của đơn vị.

Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết, ngày 17-2, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại nhiều nơi đã tăng nhanh do người dân bắt đầu đi chúc Tết, đi lễ đầu năm, đi chơi xa. Ở một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Tiền Giang,... đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trên một số tuyến đường, nhất là tại các khu vực đền, chùa. Sáng 17-2, trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân (Hà Nội) đã xảy ra ùn tắc kéo dài. Tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp do một số nơi đường vắng, lưu lượng phương tiện ít hơn ngày thường, nhiều người dân đi chúc Tết đã sử dụng rượu, bia cho nên có tâm lý chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ gây mất ATGT.

Theo ghi nhận, tại nhiều địa phương từ thành thị đến vùng nông thôn, người tham gia giao thông điều khiển phương tiện mô-tô, xe đạp điện thản nhiên không đội mũ bảo hiểm (MBH), vi phạm tín hiệu đèn giao thông và làn đường, tiềm ẩn nguy cơ TNGT khá cao. Tại các tuyến đường trong đô thị, tình trạng người tham gia giao thông không đội MBH, chở quá số người quy định diễn ra phổ biến. Trong những ngày Tết, lực lượng Cảnh sát giao thông khá thưa vắng, ít tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Ở các vùng nông thôn, mặc dù hệ thống giao thông thời gian qua đã được hoàn thiện, người dân đi lại thuận lợi nhưng chính vì đường sá thông thoáng, người dân tham gia giao thông rất chủ quan, đi dàn hàng ngang hoặc phóng nhanh, vượt ẩu, không đội MBH, chở quá số người quy định. Ở các vùng nông thôn, cũng vắng bóng lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, xử phạt cho nên tình trạng người dân không tuân thủ quy định về đội MBH, đi ngược chiều,... diễn ra khá phổ biến.

Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị các địa phương, đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy tắc tham gia giao thông, các biện pháp phòng tránh TNGT đối với xe mô-tô, xe gắn máy, nhất là ở các vùng nông thôn như quy định về bắt buộc đội MBH khi đi xe mô-tô, xe máy; tuyên truyền vận động người dân đã uống rượu, bia thì không tham gia giao thông hoặc uống có trách nhiệm. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về trật tự ATGT, nhất là hành vi vi phạm tốc độ, vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe, không đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe mô-tô, xe đạp điện; tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị,...

Thủ tướng biểu dương xử lý kịp thời vụ cháy xe khách trên đèo Hải Vân

Lúc 11 giờ ngày 15-2 (30 Tết), một ô-tô chở khách du lịch lên đèo Hải Vân đã bị bốc cháy. Toàn bộ 29 hành khách nước ngoài đã kịp thời rời khỏi xe, không có thiệt hại về người. UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo lực lượng chức năng kịp thời tiếp cận, xử lý vụ việc, không để cháy lan rộng ra khu vực rừng trên đèo, bố trí phương tiện khác chở du khách tiếp tục hành trình. Nhận được tin này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương TP Đà Nẵng, quận Liên Chiểu và các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thành phố chỉ đạo, xử lý vụ việc kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của du khách.

 

Theo MINH TRANG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm