Tổ chức lễ hội trong dịp đón Xuân mới là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa là dịp vui Xuân, qua đó thể hiện sự tưởng nhớ, tri ân các bậc nhân thần, Anh hùng dân tộc đã có nhiều công lao với đất nước cùng các nhiên thần (theo tín ngưỡng) đã phù hộ độ trì cho quốc thái dân an. Những ngày đầu năm mới cũng là thời điểm để người dân thể hiện khát vọng, ước mong bình an, may mắn, sức khỏe và thịnh vượng cho cộng đồng cũng như cho mỗi cá nhân, gia đình. Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều địa phương có điều kiện để tổ chức các lễ hội với quy mô lớn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, vui chơi, giải trí của cộng đồng và du khách.
Tuy nhiên, những năm gần đây do công tác quản lý còn chưa tốt, thiếu định hướng hoặc buông lỏng, dẫn đến tình trạng thương mại hóa trong việc tổ chức khiến hoạt động không ít lễ hội bị biến tướng. Bên cạnh những hủ tục lạc hậu, mang tính bạo lực ở các lễ hội, thì sự ngộ nhận, thiếu hiểu biết của không ít du khách đã dẫn đến những hình ảnh, hành vi phản cảm, gây bức xúc dư luận.
Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở nhiều điểm di tích, nơi tổ chức lễ hội vẫn còn bất cập; quy hoạch và bố trí khu dịch vụ, điều phối giao thông thiếu khoa học, gây ách tắc và mất an toàn cho khách. Tình trạng “loạn phí” và tăng giá vô tội vạ các dịch vụ ăn theo như trông xe, ăn uống, vận chuyển đi lại, phòng nghỉ... vẫn tiếp diễn. Nhiều người kinh doanh, làm dịch vụ có cách ứng xử thiếu văn minh, lôi kéo, “chặt, chém” du khách. Khách trảy hội nhìn chung đều hiểu và thông cảm sự vất vả của những người làm dịch vụ trong dịp lễ, Tết, nhưng không thể vì thế mà lợi dụng để tăng giá vô tội vạ và gây phiền nhiễu như vậy.
Những biểu hiện nêu trên cho thấy vai trò quản lý vẫn bị buông lỏng, hoặc thậm chí cố tình làm ngơ bỏ mặc nhằm thu lợi với quan niệm “cả năm mới có một lần hội” của một vài cấp chính quyền và cơ quan chức năng địa phương. Thậm chí, với nguồn lợi thu được từ số lượng khách trảy hội quá đông, một số nơi còn lách luật để tổ chức tràn lan các nghi thức như “khai ấn” đầu năm hay đưa chọi trâu kèm vào phần lễ. Phải khẳng định, đây không còn là hình thức xã hội hóa hay “trả lễ hội về với cộng đồng” như phương hướng ngành văn hóa đề ra mà đã trở thành một kiểu “thương mại hóa” lễ hội. Chính vì vậy, sự lộn xộn, thiếu văn minh, gây mất mỹ quan và an toàn tại nhiều lễ hội vẫn cứ tồn tại từ năm này qua năm khác. Thậm chí, mặc dù đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2017, nhìn chung công tác quản lý và tổ chức lễ hội còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được chấn chỉnh.
Trước mùa lễ hội năm nay, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương về công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội khá chi tiết, cụ thể. Bộ đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra trước và trong mùa lễ hội nhằm quán triệt, thực hiện những chỉ đạo này. Nhưng để bảo đảm có một mùa lễ hội vui tươi, an toàn và văn minh, đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả giữa ngành văn hóa với các cấp chính quyền và cơ quan chức năng ở địa phương cũng như sự ủng hộ của cả cộng đồng người dân. Sự phối hợp này không chỉ từ công tác chuẩn bị sao cho phù hợp khả năng của ban tổ chức và địa phương mà phải đưa ra những dự báo để tránh bị động từ sự quá tải và có các phương án xử lý tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức lễ hội; thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh kịp thời các biện pháp quản lý, nếu cần thì sử dụng các chế tài đủ sức răn đe. Trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội cần có sự phân công, phối hợp và chịu trách nhiệm cụ thể trên từng lĩnh vực như an ninh, trật tự, quản lý thị trường, vệ sinh môi trường..., để xử lý những vấn đề mang tính liên ngành. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng trung ương, địa phương nên kết hợp chặt chẽ với báo chí truyền thông trong việc giám sát, phản ánh kịp thời những mặt mạnh và mặt yếu trong công tác tổ chức để việc quản lý, điều hành lễ hội tốt hơn.
Một điều không kém phần quan trọng là cần làm tốt công tác vận động người dân, cộng đồng tổ chức lễ hội một cách văn minh, tùy mức độ, nên loại bỏ hoặc thay đổi các hủ tục lạc hậu, mang tính bạo lực bằng các hình thức tiến bộ mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp; thực hành tiết kiệm, hạn chế đến mức thấp nhất sự lãng phí; từng bước đưa nhận thức cũng như hành vi thực hành lễ hội của cộng đồng và du khách trở về với các giá trị nhân văn, tránh sự thái quá, lệch chuẩn về niềm tin tín ngưỡng. Có thể nói, lễ hội chỉ thật sự đẹp khi mỗi người trảy hội có tâm thành và ý thức trân trọng, giữ gìn, bảo vệ văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo TIẾN CƯỜNG /nhandan.com.vn