Cập nhật: 21/02/2018 14:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tìm đến làng nghề mộc Hố Nai (TP Biên Hòa Đồng Nai) trong những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận không khí nhộn nhịp, tất bật sản xuất hàng hóa của làng nghề qua âm thanh máy cưa, máy cắt, tiếng đục đẽo, rồi hương thơm nhẹ nhàng khó tả của các loại gỗ hòa quyện vào mùi nước sơn. “Thủ phủ nghề mộc”đang được nhuộm vàng óng bởi các sản phẩm đậm chất hoa văn báo hiệu một năm mới đầy phát triển và bội thu về đơn hàng.

 

Ông Bùi Ngọc Lai - một trong những lão làng của “thủ phủ đồ gỗ”.

Về thủ phủ nghề mộc Nam Bộ

Không giống như các làng nghề khác chỉ khoảng vài chục hộ, xứ đồ gỗ Hố Nai trải rộng với bán kính hơn chục 10 km từ phường Tân Biên, phường Long Bình sang phường Tân Hòa. Làng mộc phát triển hẳn khi nhà nhà, người người trong khu vực này đều sản xuất đồ gỗ. Theo thống kê chưa đầy đủ, khu vực làng nghề Hố Nai có trên 1.000 hộ tham gia sản xuất cùng nhiều cửa hàng, showroom trưng bày sản phẩm khá hoành tráng.

Điều đặc biệt, sự phân công sản xuất trong nghề mộc ở khu vực này thể hiện khá rõ nét, thay vì sản xuất đại trà như trước đây hiện nay mỗi cơ sở chuyên sâu một vài mặt hàng. Có hộ gia đình chuyên sản xuất tủ thờ theo thiết kế cổ điển, có gia đình chuyên sản xuất bàn ghế, tủ, giường dựa trên hoa văn hiện đại. Chính vì phát triển lâu năm cùng sự chuyên môn hóa cao, sản phẩm gỗ ở “thủ phủ” này được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và độ tinh tế của từng hoa văn.

Ông Bùi Ngọc Lai, 68 tuổi (quê Nam Định) cho hay, trước năm 1988 ông ở ngoài Bắc và thường xuyên lên Tuyên Quang làm nhà cổ như: nhà rường, nhà kẻ,… Sau đó, cả gia đình di cư vào Nam, rồi ông dễ dàng bắt nhịp với nghề mộc của khu vực. Miệt mài với nghề mới, cho nên tay nghề càng ngày càng nâng cao, điêu luyện hơn. Từ việc chế tác thủ công các sản phẩm đơn giản, thông thường như: giường, bàn ghế, tủ đồ, hiện nay một mình ông chuyên sản xuất mặt hàng tủ thờ, kiệu với hoa văn uốn lượn tinh xảo, sơn son thiếp vàng.

Chia sẻ về nghề mộc truyền thống, không ít lão làng của nghề mộc ở Hố Nai cho hay, gắn bó với nghề mộc mấy chục năm nay nhiều khi muốn cất hết đồ nghề để chuyển sang ngành khác vì sản xuất sản phẩm mộc mất nhiều thời gian, lợi nhuận không cao, bụi gỗ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, cái nghề gắn với cái nghiệp, nghề mộc ăn sâu vào máu thịt nên không dứt ra được.

Cần mẫn và miệt mài với công việc, vì vậy mỗi lần hoàn thành sản phẩm theo đơn hàng, được khách gật đầu hài lòng về chất lượng, mẫu mã càng tăng thêm động lực để để nhiều thợ gỗ say sưa hơn với nghề.

Đến làng mộc Hố Nai hôm nay ít nhìn thấy hình ảnh những ông cụ, bà lão lớn tuối ngồi đục, đẽo như trước đây. Thay vào đó là những thanh niên trai tráng còn rất trẻ đang ngày đêm phát triển nghề. Họ là thế hệ thứ hai, thứ ba nối tiếp cha chú trong làng nghề.

Là một người trẻ gắn bó với nghề mộc từ nhỏ với mô hình sản xuất truyền thống hộ gia đình, đến nay anh Trần Ngọc Phương đã lập doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất đồ gỗ. Ngoài việc gia tăng về quy mô, anh Phương không ngừng mở rộng thị trường cho sản phẩm. Từ việc phát triển thị trường trong tỉnh, sản phẩm nội thất của doanh nghiệp được các tỉnh miền Tây Nam bộ tin dùng. Xuất sắc hơn, vài năm trở lại đây đồ gỗ Phương Sinh chính thức thâm nhập thị trường các nước như: Úc, Hoa Kỳ,… Hiện đồ gỗ xuất khẩu Phương Sinh đang tìm đường vào những thị trường khó tính như Nhật Bản.

Không dễ dàng được thị trường trong và ngoài nước lựa chọn và đón nhận đồ gỗ nội thất. Thành quả phát triển thời gian qua của làng nghề mộc Hố Nai nhờ vào sự nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo để làng nghề tồn tại, phát triển mạnh. Hy vọng rằng, thời gian tới đồ gỗ nội thất Hố Nai sẽ phát triển vững mạnh hơn. Đây chính là trăn trở của các lão làng, thợ trẻ tại làng nghề nổi tiếng cả nước.  

ST

Tệp đính kèm