Thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, BCH Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 41 với mục tiêu đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch của tỉnh có tính cạnh tranh cao, bền vững, phát huy lợi thế về du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái; nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch và hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; phát huy lợi thế liên kết vùng để đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch nội địa, khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế.Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Du lịch thể thao Golf - loại hình du lịch mới đang được khai thác để thu hút khách du lịch.
Để thực hiện tốt Nghị quyết 08, BCH Đảng bộ tỉnh đã đưa ra những giải pháp sát thực tế, trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý trong xây dựng, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa trong phát triển du lịch gắn với việc bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó, xây dựng đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các khu du lịch trọng điểm của tỉnh.
Đồng thời, tập trung phát triển thị trường và sản phẩm du lịch. Khi xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, các di tích, danh thắng và du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch thể thao Golf, du lịch hội nghị - hội thảo.
Trong đó, kêu gọi đầu tư theo hướng xây dựng loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, gắn kết với các điểm du lịch hồ Xạ Hương, Làng Hà, thác Bản Long, Ngọc Thanh và vùng phụ cận để tạo ra các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, ưu tiên tập trung các nguồn lực xây dựng các khu vực trọng điểm như: Khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc, Vĩnh Thịnh, Hồ Vân Trục... gắn với du lịch qua các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Tây Bắc.
Tỉnh tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, trước mắt, ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, vùng có tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù; tăng cường hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển du lịch đặc biệt là cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng....
Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất ngành du lịch. Đặc biệt, đầu tư phát triển kết nối hạ tầng giao thông tại các địa bàn trọng điểm, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch.
Đầu tư các điểm dừng, nghỉ và tăng cường các tuyến xe phục vụ du lịch từ Vĩnh Yên đi Tây Thiên, Tam Đảo, Đại Lải; cải thiện hạ tầng viễn thông, cấp điện nước và chất lượng phục vụ tại nhà ga đường sắt Vĩnh Yên và Phúc Yên để phục vụ khách du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các trung tâm mua sắm hệ thống khách sạn cao cấp, khu giải trí chất lượng cao, nhằm tạo sức hút khách du lịch đến lưu trú trên địa bàn tỉnh; nâng cấp các tuyến giao thông chính trên địa bàn huyện để hình thành hạ tầng đô thị du lịch kết nối các khu, điểm du lịch Tam Đảo 1, Tam Đảo 2, Tây Thiên với các địa phương trong huyện và liên huyện...
Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch gắn liền với đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng được quan tâm, đặt ra việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế việc đào tạo và phát triển; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch, xây dựng con người gắn với văn hóa du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch ở các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh thu hút 50 nghìn lượt khách quốc tế và 6,5 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng khách quốc tế đạt 18%/năm, nội địa đạt 21%/năm; doanh thu du lịch đạt 125 triệu USD; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị các di tích lịch sử; phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng; phát triển du lịch phải đi đôi với đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường; đồng bộ với xây dựng hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc.
Chương trình hành động số 41 theo Nghị quyết 08 của Trung ương được triển khai, Vĩnh Phúc sẽ sớm thành công trong việc xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tiến tới kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh. Có thể nói, đây chính là "kim chỉ nam" để thực hiện thành công Nghị quyết 08, tạo đà cho du lịch Vĩnh Phúc cất cánh.
ST