Nguy cơ khủng bố hiện nay không chỉ diễn ra ở một quốc gia đơn lẻ hay một khu vực mà trên bình diện toàn cầu. Do vậy, sự phối hợp của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy cuộc đấu tranh chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu, với vai trò chủ đạo là Liên Hợp Quốc (LHQ).
Tại nhiều phiên họp của LHQ, các thành viên đã lên tiếng cho rằng đến lúc phải có một Hiệp ước chung với quy mô toàn cầu để thúc đẩy cuộc đấu tranh chống khủng bố đạt hiệu quả tích cực.
Hồi tháng 9/2006, Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ đã thông qua Chiến lược chống khủng bố toàn cầu nhằm tăng cường các nỗ lực chống khủng bố ở từng quốc gia, từng khu vực và trên toàn thế giới.
ĐHĐ LHQ tiến hành đánh giá chiến lược này 2 năm một lần nhằm điều chỉnh các mục tiêu cụ thể phù hợp với những ưu tiên chống khủng bố của các quốc gia thành viên.
Trên tinh thần đó, ngày 23/2 vừa qua, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres đã chính thức ký Hiệp ước Phối hợp chống khủng bố toàn cầu.
Hiệp ước này thiết lập một loạt các nguyên tắc chỉ đạo nhằm cải thiện đáng kể sự phối hợp và liên kết của hệ thống LHQ, hướng tới việc hỗ trợ các quốc gia thành viên thực thi Chiến lược chống khủng bố toàn cầu đạt hiệu quả cao hơn.
Hiệp ước này là thỏa thuận giữa 36 thực thể của LHQ tham gia hỗ trợ các quốc gia thành viên tìm cách thức đối phó và ngăn chặn những hành vi khủng bố cũng như bạo lực cực đoan.
Hiệp ước này cũng sẽ được những người đứng đầu các thực thể trên, cũng như Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và Tổ chức Hải quan thế giới, ký kết, trở thành một biểu tượng chứng tỏ quyết tâm phối hợp hành động tại trụ sở LHQ và trên thực địa. Hiệp ước mới cũng đề ra một khuôn khổ chung để giám sát và đánh giá hiệu quả những nỗ lực của LHQ trong công cuộc chống khủng bố.
Mục đích chính của Hiệp ước mới nói trên là nhằm bảo đảm hệ thống LHQ có thể tạo được ảnh hưởng tích cực hơn, cũng như mang tới sự hỗ trợ lớn hơn và hiệu quả hơn trong việc kiến tạo năng lực chống khủng bố cho các quốc gia thành viên.
Theo kế hoạch, trong năm nay, TTK LHQ Guterres cũng sẽ triệu tập hội nghị cấp cao đầu tiên của LHQ quy tụ người đứng đầu các cơ quan chống khủng bố trên toàn cầu nhằm thiết lập nhiều quan hệ đối tác mới và cải thiện lòng tin giữa các tổ chức.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 23/2, tại một sự kiện bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã quyết định tăng thêm 50 triệu euro (tương đương 61 triệu USD) gấp đôi quỹ hỗ trợ cho lực lượng chống khủng bố mới thành lập ở châu Phi, G5 Sahel - gồm các nước Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Niger, trong bối cảnh có những dấu hiệu các nhóm Hồi giáo cực đoan đang đẩy mạnh liên kết với nhau tại khu vực này.
Bởi trên thực tế cho thấy, kể từ khi Libya rơi vào hỗn lạo năm 2011, khu vực Sahel trở thành điểm nóng tập trung các băng nhóm hoạt động phi pháp, các tay súng Hồi giáo cực đoạn đã chiếm giữ phần lớn lãnh thổ phía Bắc Mali năm 2012, trong khi phiến quân Boko Haram dần phát triển lực lượng tại phía Bắc Nigeria. Lực lượng G5 Sahel gồm binh lính huy động từ 5 quốc gia Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Niger.
G5 Sahel được hình thành với mục tiêu xây dựng lực lượng tinh nhuệ gồm 5.000 quân tới giữa năm 2018 cùng chiến đấu chống các nhóm tay súng cực đoan với sự hỗ trợ của 4.000 binh lính Pháp được triển khai tới Mali từ năm 2013 và 12.000 quân của Lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ tại Mali (MINUSMA).
Lực lượng G5 Sahel đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đầu tiên từ tháng 11/2017 với sự hỗ trợ của Pháp và đến nay đã thiết lập được một trụ sở và hệ thống chỉ huy cũng như tiến hành 2 chiến dịch ở khu vực giao cắt giữa Mali, Niger và Burkina Faso. Ngoài chống khủng bố, lực lượng này cũng chịu trách nhiệm giải quyết các mạng lưới buôn lậu và đưa người nhập cư bất hợp pháp hoạt động ở vùng Sahara.
Ngoài gia tăng lực lượng chống khủng bố, cộng đồng quốc tế, trong đó EU đã lên kế hoạch viện trợ phát triển giai đoạn 2014-2020 gần 8 tỷ euro cho khu vực này nhằm giúp cải thiện tình hình an ninh và kinh tế của các nước tại đây, qua đó góp phần giảm số người tìm cách di cư sang châu Âu cũng như ngăn nguy cơ Sahel trở thành "sào huyệt" cho các tay súng cực đoan âm mưu tấn công phương Tây.
Trong khi đó, Mỹ đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Phi do quan ngại lực lượng IS đang bị truy quét mạnh tại Trung Đông, nhất là ở Syria và Iraq, sẽ chuyển hướng và xây dựng vị trí, lực lượng của chúng ở khu vực châu Phi nhạy cảm. Mỹ đang triển khai 6.000 sĩ quan, binh lính đặc nhiệm tại 53 quốc gia châu Phi, nhất là tại các nước như CH Chad, CHDC Congo, Ethiopia, Somalia, Uganda, Rwanda, Kenya và Niger với nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo, huấn luyện các đơn vị chống khủng bố của quân đội các nước này.
Theo Tuyết Minh/Chinhphu.vn