Cập nhật: 05/05/2025 16:21:00
Xem cỡ chữ

Thủ tướng Anh Keir Starmer đang đối mặt với thời điểm mang tính quyết định trong nỗ lực tái thiết quan hệ hậu Brexit, khi các nhà đàm phán Anh và Liên minh châu Âu (EU) bước vào tuần thương lượng chuyên sâu nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Brexit dự kiến diễn ra ngày 19/5 tại London.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu tại thủ đô London. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Politico, ngày 5/5, các cuộc đàm phán được khởi động nhằm tháo gỡ thế bế tắc kéo dài giữa hai bên, trước bài phát biểu đối ngoại quan trọng của ông Starmer tại hội nghị. Một quan chức EU cho biết, không khí hiện tại mang tính xây dựng, nhưng các vấn đề cụ thể vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể khi thời gian còn lại không nhiều.

Mục tiêu trước mắt của ông Starmer là đạt được một thỏa thuận quốc phòng với Brussels, nhằm củng cố vị thế an ninh của Anh và mở đường cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận quỹ tái vũ trang trị giá 150 tỷ euro của EU.

Bên cạnh đó, Anh muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán về các vấn đề thương mại, bao gồm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm và điện năng. Đổi lại, EU đề xuất triển khai cơ chế thị thực linh hoạt cho thanh thiếu niên và duy trì quyền tiếp cận vùng biển Anh cho đội tàu đánh cá của khối.

Theo các nguồn tin ngoại giao, cả hai bên đã đạt được một số thỏa hiệp sơ bộ, song tiến độ bị chậm lại do phía Anh đề nghị trì hoãn việc công bố chi tiết chính sách cho đến sau cuộc bầu cử địa phương ngày 2/5. Các đại sứ EU chỉ mới nhận được bản đề cương dự thảo và đang chờ tiếp cận văn bản đầy đủ.

Một trong những điểm gây tranh cãi là đề xuất về cơ chế thị thực dành cho người trẻ tuổi do EU khởi xướng. Phía Anh lo ngại chương trình này sẽ ảnh hưởng tới số lượng nhập cư - một yếu tố nhạy cảm về chính trị. Gần đây, ông Starmer bắt đầu thể hiện thái độ mềm mỏng hơn và không còn bác bỏ hoàn toàn chương trình như trước.

Phương án thỏa hiệp do London đưa ra gồm giới hạn số người tham gia và rút ngắn thời gian lưu trú còn một năm. Tuy nhiên, phía Anh vẫn phản đối yêu cầu khôi phục mức học phí ưu đãi cho sinh viên châu Âu - một trong những ưu tiên của nhiều nước thành viên EU. Một quan chức EU xác nhận tình trạng bế tắc hiện nay chủ yếu xoay quanh hai vấn đề: mức học phí và hạn ngạch trong cơ chế thị thực dành cho thanh thiếu niên.

Quyền tiếp cận vùng biển Anh tiếp tục là một trong những nội dung nhạy cảm nhất trong đàm phán. Theo chương hàng hải thuộc Thỏa thuận Thương mại và Hợp tác ký năm 2021 dưới thời Thủ tướng Boris Johnson, các đội tàu cá EU được phép khai thác tại vùng biển Anh cho đến tháng 6/2026. Khi thời hạn này sắp kết thúc và Anh quay trở lại bàn đàm phán, một số quốc gia thành viên như Pháp đã yêu cầu gia hạn quyền tiếp cận trong khuôn khổ thỏa thuận mới. Tuy nhiên, phía Anh lo ngại rằng nếu nhượng bộ trong lĩnh vực ngư nghiệp, Thủ tướng Keir Starmer có thể bị chỉ trích là quá mềm mỏng trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, đặc biệt từ các đối thủ chính trị.

Một nhà ngoại giao EU cho biết vẫn chưa có gì đảm bảo rằng một thỏa thuận quốc phòng và an ninh sẽ được ký kết tại hội nghị, trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên tiếp tục gây sức ép về vấn đề ngư nghiệp.

Theo Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

https://baotintuc.vn/the-gioi/anh-va-eu-noi-lai-dam-phan-sau-nham-tai-thiet-quan-he-hau-brexit-20250505151504821.htm