Ngày 5/3, Mỹ kêu gọi phiến quân Taliban cân nhắc đề nghị đàm phán hòa bình do Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đưa ra, nhấn mạnh đề nghị này "thiện chí và tích cực."
Phiến quân Taliban. (Nguồn: Breitbart)
Ngày 28/2 vừa qua, tại một hội nghị quốc tế ở Kabul, Tổng thống Ghani đã nêu ra lộ trình hòa bình mới, theo đó đề xuất hòa đàm với Taliban, tiến tới công nhận lực lượng này là một đảng chính trị.
Phát biểu với báo giới tại Washington, bà Alice Wells, quan chức cấp cao của Vụ Nam và Trung Á thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng đề nghị của Tổng thống Ghani là "đáng quý," tích cực và thể hiện tôn trọng Taliban, với mục tiêu đạt được một thỏa thuận chính trị tại Afghanistan.
Bà Wells cho rằng hội nghị "Tiến trình hợp tác hòa bình và an ninh Kabul", nơi Tổng thống Ghani đưa ra đề nghị trên, là một sự kiện "mang ý nghĩa bước ngoặt lịch sử."
Chính phủ Afghanistan đã lắng nghe và đáp lại một cách thiện chí đối với một số yêu cầu của Taliban, do đó, Washington kêu gọi Taliban nghiêm túc cân nhắc đề nghị này.
Trong lộ trình hòa bình nói trên, Tổng thống Afghanistan nêu rõ các biện pháp mới trong nỗ lực hòa bình và hòa giải bao gồm một lệnh ngừng bắn, công nhận phiến quân Taliban là một tổ chức chính trị hợp pháp, nỗ lực xây dựng lòng tin trong thời kỳ quá độ cũng như tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Tổng thống Ghani nhấn mạnh rằng để đạt được hòa bình, Chính phủ Afghanistan sẵn sàng xem xét lại Hiến pháp như một phần trong thỏa hiệp với Taliban, phóng thích các tù nhân Taliban, xóa tên các thủ lĩnh Taliban trong danh sách trừng phạt của cộng đồng quốc tế cũng như mở văn phòng đại diện của Taliban tại Kabul hoặc ở các thành phố khác của Afghanistan.
Tuy nhiên, đổi lại, Taliban phải chính thức công nhận Chính phủ Afghanistan và tôn trọng nguyên tắc luật pháp.
Chính phủ Afghanistan đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Taliban cho biết sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Mỹ về cuộc khủng hoảng tại Afghanistan song sẽ không đàm phán với Chính phủ Afghanistan hoặc hội đồng hòa bình của nước này.
Trong những năm qua, Taliban luôn bác bỏ đề nghị đàm phán hòa bình, tuyên bố sẽ không tiến hành đàm phán cho đến khi quân đội nước ngoài rời khỏi Afghanistan.
Kể từ năm 2015, các lực lượng an ninh Afghanistan đã tiếp nhận sứ mệnh bảo vệ an ninh từ các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ, song hiện vẫn còn khoảng 16.000 binh sỹ nước ngoài đang đồn trú tại đây với nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh địa phương trong cuộc chiến chống phiến quân.
Theo TTXVN/VIETNAM+
https://www.vietnamplus.vn/my-keu-goi-taliban-can-nhac-de-xuat-hoa-dam-cua-tong-thong-afghanistan/491034.vnp