Cập nhật: 07/03/2018 14:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mùa xuân mới đã về - mùa lễ hội truyền thống của các miền quê lại đến, khơi dậy những nét đẹp văn hóa lịch sử của dân tộc, quê hương, tạo không khí vui tươi phấn khởi, giàu thêm sắc xuân. Nhưng mỗi mùa lễ hội qua đi để lại không ít dư âm phiền toái nếu không được tổ chức quản lý chặt chẽ và chu đáo.

Là một trong những lễ hội lớn của huyện Vĩnh Tường, lễ hội đền Ngự Dội, thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh được tổ chức hằng năm từ ngày 14 - 16 tháng Giêng âm lịch với 3 năm một lần tổ chức chính, vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Năm nay tuy không phải chính hội nhưng công tác chuẩn bị lễ hội vẫn được thôn Duy Bình thực hiện chu đáo, đặc biệt về cơ sở vật chất, an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Ông Lê Văn Mùi, trưởng thôn Duy Bình cho biết: Mặc dù năm nay lễ hội chỉ tổ chức ở quy mô cấp thôn và thực hiện rước kiệu và lễ đi từ đền Ngự Dội sang đền Và (thị xã Sơn Tây) để tế cộng đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, nghiêm túc, ngay từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, thôn đã chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, huy động gần 100 người trong thôn tham gia vào các ban tế, đội dâng hương, đội cờ, đội quả, đội rước kiệu, đội an ninh trật tự... Ngoài lực lượng dân quân trong thôn, ban tổ chức lễ hội còn đề nghị chính quyền xã Vĩnh ninh tăng cường lực lượng công an nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho du khách yên tâm dự lễ.

Huyện Vĩnh Tường hiện có 239 di tích với hàng trăm lễ hội, trong đó có 20 di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động lễ hội trên địa bàn, hằng năm, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức lễ hội xuân vui tươi, lành mạnh, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của các địa phương, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tổ chức lễ hội như: Đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, dịch vụ thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn; ngăn chặn và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính và các biểu hiện không lành mạnh khác trong dịp lễ hội.

Cũng như huyện Vĩnh Tường, để mùa lễ hội năm 2018 diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách, UBND huyện Lập Thạch đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động lễ hội trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tổ chức lễ hội; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn giao thông tại các địa điểm, khu vực tổ chức lễ hội; bảo vệ an toàn các hiện vật trong di tích, hạn chế việc thắp hương trong nội thất công trình di tích; quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận và kiên quyết đưa ra khỏi di tích những hiện vật, nhất là các hiện vật khác lạ, trái với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đồng thời, phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thông tin về giá trị lịch sử văn hóa của di tích, ý nghĩa của lễ hội; nghiêm cấm những hành vi tiêu cực, hoạt động mê tín dị đoan, nghi lễ mang tính bạo lực, làm ảnh hưởng môi trường sinh thái, gây mất an ninh trật tự, sai quy định hiện hành về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 400 lễ hội, trải đều ở hầu hết các huyện, thành, thị, trong đó, chủ yếu là các lễ hội dân gian truyền thống. Để lễ hội xuân thực sự là ngày hội của nhân dân các địa phương, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch thường xuyên sát sao trong chỉ đạo, chấn chỉnh công  tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương. Trong đó, đề nghị các địa phương chú trọng quản lý chặt chẽ hoạt động tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cho phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống của dân tộc. Đồng thời, tuyên truyền, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội, vận động nhân dân thay đổi những tập tục không còn phù hợp với thực tiễn. Trong mỗi lễ hội, các địa phương xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho người tham gia lễ hội và du khách; thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội; không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội.

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm