Cập nhật: 12/03/2018 14:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện là thời điểm mùa lễ hội đang diễn ra sôi nổi, náo nhiệt nhất với sự khai hội của hàng loạt lễ hội lớn trên mọi miền đất nước. Có tới hơn 8.000 lễ hội diễn ra trong một năm thì rõ ràng, công tác quản lý lễ hội là thách thức lớn với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, nhất là khi những năm gần đây, lễ hội có xu hướng bùng nổ về cả quy mô và số lượng.

Đánh giá công tác này ở giai đoạn đầu mùa lễ hội năm nay, có thể thấy về cơ bản đã tiến bộ hơn so với một số năm trước, từ việc chỉ đạo, ban hành văn bản tới đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra. Ngay từ trước mùa lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức mùa lễ hội 2018; ra văn bản Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời thành lập nhiều đoàn kiểm tra trực tiếp tới những điểm diễn ra lễ hội để có phương án xử lý kịp thời. Các ban tổ chức lễ hội xuân ở các địa phương cũng đều có những cam kết cụ thể về bảo đảm an toàn trong tổ chức lễ hội. Nhờ đó, một số lễ hội như lễ hội Gióng ở Sóc Sơn hay lễ hội đền Hai Bà Trưng (Hà Nội)... đã giảm đáng kể cảnh tượng chen lấn, xô đẩy do ban tổ chức thay đổi nghi thức phát lộc, không cho phép kinh doanh ở khu vực diễn ra lễ hội…

Tuy nhiên, theo dõi hoạt động lễ hội năm nay, thực tế cho thấy, chỉ những lễ hội nào mà ban tổ chức kiểm soát được lượng người tham dự ở thời điểm phát lộc mới không diễn ra cảnh “vỡ trận”. Còn lại, ở những lễ hội, nhất là các lễ hội lớn, khi không thể khống chế số người tham gia thì đều dẫn đến tình trạng “thất thủ”. Đơn cử, ở lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), dù ban tổ chức đã lựa chọn trước 200 người từ các khu dân cư chia thành hai đội Giáp thượng, Giáp hạ đánh phết; nhưng khi quả phết được tung ra, lập tức diễn ra cảnh đả cầu cướp phết, hàng nghìn thanh niên lao vào xô đẩy, giẫm đạp quyết liệt, cướp phết cầu may. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc) khi cả trăm nghìn người dự hội cùng lao vào tranh cướp chiếu để cầu con trai. Hay ở lễ hội chùa Hương, dù ban tổ chức đã quy định rõ ràng về các đò được chở khách, nhưng khi lượng khách tăng đột biến, vẫn xuất hiện những chiếc xuồng máy chạy “chui”, các đò chở quá số người quy định, không bảo đảm an toàn, thậm chí có cả những “chiếu bạc” tổ chức ngay trên đò... Bên cạnh đó là nhiều cảnh tượng phản cảm như: các liền anh, liền chị quan họ ở hội Lim (Bắc Ninh) ngả nón nhận tiền; hàng quán bủa vây ở hội đền Bia Bà (Hà Nội); vàng mã, tiền lẻ rải ngợp các ban thờ Phủ Tây Hồ (Hà Nội)... Đáng buồn hơn, đây là những cảnh tượng lặp đi lặp lại qua các mùa lễ hội hằng năm, người tham gia lễ hội đã biết quy chế nhưng vẫn cố tình vi phạm. Những điều này thêm lần nữa cho thấy: Công tác quản lý lễ hội vẫn chưa thể đi vào thực chất và càng không thể chỉ siết chặt bằng những công văn, những quy định trên giấy.

Lâu nay, chúng ta vẫn có thói quen không quản được thì cấm, không giải quyết được thì cho tạm dừng. Song với lễ hội, một hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng và của cộng đồng, cần khẳng định: Những mệnh lệnh hành chính ở một góc độ nào đó chỉ có ý nghĩa giải pháp tức thời chứ không thể tạo ra những thay đổi mang tính lâu dài. Theo các chuyên gia văn hóa, thời gian qua, chưa thể đẩy lùi những biểu hiện biến tướng, thương mại hóa, phản cảm trong lễ hội là bởi người dân, những chủ thể thực hành lễ hội vẫn chỉ tham gia lễ hội theo thói quen mà không hiểu bản chất thần tích, giá trị, ý nghĩa riêng của từng lễ hội. Vì thế, cần lấy “xây để chống”, tức là những chuyển biến trong công tác quản lý lễ hội cần được xuất phát từ chính sự thay đổi trong nhận thức, ý thức người dân.

Muốn giúp người dân nhận diện giá trị di sản lễ hội, cần làm cho họ hiểu được vai trò của mình khi tham gia lễ hội trên cơ sở hiểu giá trị của lễ hội; có thế mới biết cách thực hành cho đúng, không làm sai lệch giá trị lễ hội hay lợi dụng lễ hội để trục lợi. Để làm được điều đó, cách thức tuyên truyền về ý nghĩa lễ hội và thực hành lễ hội phải thay đổi, đi vào thực chất. Trách nhiệm hàng đầu thuộc về những người làm văn hóa cơ sở và các nhà quản lý di sản văn hóa các cấp. Trước thực trạng thiếu trầm trọng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở các cấp, nhất thiết phải có chiến lược bổ sung kịp thời, bồi dưỡng đội ngũ này từ cơ sở. Trên nền tảng được trang bị những kiến thức cần có về giá trị lễ hội địa phương và kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục, họ sẽ là những người làm việc trực tiếp với cộng đồng, đến với từng hộ dân trao đổi, vận động để từ đó người dân trở thành những người thực hành lễ hội và hướng dẫn du khách thực hành lễ hội địa phương mình sao cho đúng. Sự chuyển biến chỉ bền vững, thực chất khi nhận thức, ý thức của người dân được nâng lên. Nhất là khi việc thực hành lễ hội đã là thói quen tồn tại bao đời nay, để thay đổi thói quen ấy, cần sự nỗ lực kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống quản lý và từng chủ thể lễ hội.

 

Theo TRANG ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm