Đối với người Việt Nam, mùa xuân thường gắn với mùa lễ hội. Hòa mình vào các lễ hội, người xem không chỉ cảm nhận được không khí hân hoan chào đón năm mới mà còn hiểu phần nào phong tục, tập quán của họ. Để lễ hội Xuân thực sự văn minh và thu hút đông đảo khách đến dự, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn, lành mạnh, đồng thời, phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Hằng năm, cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng, lễ hội đả cầu cướp phết lại được tổ chức ở đình Đông Lai, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch. Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn du khách thập phương đã đổ về đình Đông Lai để thưởng ngoạn màn lễ rước thánh du xuân, háo hức chờ đợi hội cướp phết diễn ra. Màn nghi lễ giã bánh dầy, dâng hương hoa tế lễ, rước quan đi thị sát dân tình cũng được diễn ra trong không khí tôn kính, trang nghiêm trước sự chứng kiến của hàng vạn du khách thập phương nhằm tưởng nhớ đến 4 vị thánh thời Hùng vương thứ 13 có công dẹp loạn, dẹp giặc, hộ quốc phù dân. Sau nghi lễ, phần hội diễn ra sôi động với các màn cướp phết, chọi gà, chơi cờ người, đánh đu và bịt mắt bắt dê... Nhưng thu hút đông đảo du khách thập phương theo dõi nhất là màn đả cầu cướp phết. Theo quan niệm của dân gian, mồng phết tượng trưng cho tuấn mã ngựa phi, quả phết tượng trưng cho trận đánh, làng nào cướp được phết là giành thắng lợi, ai chạm được vào quả phết đầu năm trong hội sẽ gặp được may mắn cả năm.
Lễ hội Đả cầu cướp phết được tổ chức trang trọng với màn rước kiệu nhằm tôn vinh công lao của các vị tướng
Trở lại lễ hội đả cầu cướp phết năm 2016, sau phần lễ rước thánh du xuân, các cụ bô lão trong làng tung quả cầu phết ra giữa sân hội. Đông đảo thanh niên trai tráng cùng lao vào chen lấn, giẫm đạp lên nhau để tranh giành quả phết, gây tình trạng hỗn loạn. Lợi dụng lễ hội cướp phết, nhiều thanh niên thậm chí được dịp dùng cả gậy gộc để giải quyết mâu thuẫn.
Để khắc phục tình trạng trên, ngay mùa lễ hội sau, năm 2017, chính quyền địa phương và UBND huyện đã đưa ra phương án tổ chức lễ hội an toàn, lành mạnh, vẫn đảm bảo giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hóa, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Theo đó, lễ hội Đả cầu cướp phết được tổ chức theo quy mô thôn làng tại 3 thôn có 3 di tích là: Đông Lai, Trụ Thạch, Xuân Me trong ngày mùng 3 và ngày 6, mùng 7 tháng Giêng. Trong lễ hội, không tổ chức cướp phết; vẫn tổ chức nghi lễ rước thánh du xuân và các hoạt động vui chơi giải trí, các trò chơi dân gian như: Chọi gà, cờ tướng, bịt mắt bắt dê, thi giã bánh dày, vật gà thờ…
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích và nhân dân tham gia lễ hội được chính quyền địa phương phối hợp với các cấp, ngành thực hiện tốt. Địa phương đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh và có biện xử lý các hành vi phạm pháp luật về an ninh trật tự. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa của lễ hội và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong tổ chức, thực hiện nếp sống văn minh lễ hội đến mọi người dân.
Theo ông Nguyễn Huy Cương, Chủ tịch UBND xã Bàn Giản: Rút kinh nghiệm từ sự cố tổ chức lễ hội Đả cầu cướp phết năm 2016, năm 2017 và năm nay 2018, địa phương chỉ tổ chức phần nghi lễ và các trò chơi dân gian, không tổ chức hội cướp phết. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, thôn về ý nghĩa của lễ hội và việc tham gia lễ hội văn minh, lịch sự đến mọi người dân; xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, phân công nhiệm vụ chi tiết đến từng tiểu ban tổ chức lễ hội và các thành viên. Do đó, lễ hội Đả cầu cướp phết vẫn được tổ chức long trọng, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, không có tiêu cực xảy ra trên địa bàn, đảm bảo đúng theo quy định của nhà nước. Ban tổ chức lễ hội đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong lễ hội, phối hợp với các ngành chức năng kiên quyết xử lý những hành vi phản cảm trong lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Công tác đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường đã từng bước được chấn chỉnh. Mặc dù không tổ chức hội cướp phết nhưng lễ hội năm 2017 vẫn thu hút được đông đảo nhân dân địa phương tham gia nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Năm 2018, phần hội sẽ chú trọng vào các trò chơi dân gian với cách thức tổ chức linh hoạt, mới mẻ hơn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân trong dịp Tết.
Huyện Lập Thạch hiện có hơn 40 lễ hội lớn, nhỏ, đến thời điểm này, 30 lễ hội đã hoàn thành xây dựng kịch bản tổ chức. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động lễ hội trên địa bàn, hằng năm, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức lễ hội Xuân vui tươi, lành mạnh, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của các địa phương, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tổ chức lễ hội như: Đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, dịch vụ thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn; ngăn chặn và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính và các biểu hiện không lành mạnh khác trong dịp lễ hội.
Mặc dù không xảy ra tình trạng như lễ hội Đả cầu cướp phết ở Bàn Giản, nhưng những năm gần đây, chính quyền địa phương xã Hải Lựu, huyện Sông Lô luôn chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội Chọi trâu, để lễ hội thực sự là ngày hội của nhân dân và du khách thập phương.
Xác định là lễ hội lớn của huyện, thu hút lượng lớn du khách thập phương về dự, nên dù còn hơn 1 tháng nữa mới diễn ra lễ hội nhưng đến thời điểm này, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và khu vực diễn ra lễ hội. Ông Hà Văn Thư, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để bảo tồn di sản văn hóa tinh thần của dân tộc, tạo không khí tưng bừng của lễ hội và để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân, du khách thập phương, lễ hội Chọi trâu năm nay đã được địa phương chuẩn bị chu đáo, đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu quy mô của lễ hội. Trong đó, chúng tôi chú trọng công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản của nhân dân, không để vụ việc đáng tiếc xảy ra trên địa bàn và trong khu vực tổ chức lễ hội.”
4 tiểu ban phục vụ lễ hội đã được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Cơ sở vật chất chuẩn bị lễ hội đã hoàn tất với việc tu sửa, mua sắm một số nội thất Đền trình trâu; xây tường, lợp mái khu vực thịt trâu chọi; san gạt mặt bằng sới chọi và chuẩn bị điện, nước phục vụ lễ hội. Tiểu ban an ninh trật tự, quản lý thị trường đã chuẩn bị chu đáo về lực lượng, cơ sở vật chất cho công tác kiểm tra toàn bộ các dịch vụ phục vụ trong các ngày lễ hội trên địa bàn, sẵn sàng xử lý các hành vi bắt chẹt khách, các tệ nạn xã hội xảy ra trong khu vực tổ chức lễ hội; quản lý địa điểm bán thịt trâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Riêng công tác đảm bảo an ninh trật tự, Công an xã đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an huyện, quân sự xã. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ lực lượng từ Công an tỉnh và các huyện lân cận nhằm đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự, an toàn cháy nổ trong khi tổ chức lễ hội. Ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng Công an xã Hải Lựu cho biết: “Lễ hội Chọi trâu năm nay diễn ra vào đúng ngày nghỉ cuối tuần, dự kiến lượng du khách đến Hải Lựu sẽ đông hơn năm ngoái với khoảng 3 vạn khách. Cho nên, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cần chặt chẽ hơn. Cũng như những năm trước, chúng tôi đã xây dựng phương án phối hợp với Công an tỉnh, Công an huyện, Đội Phòng cháy chữa cháy khu vực huyện Sông Lô, Lập Thạch đảm bảo tuyệt đối khu vực diễn ra lễ hội và các tuyến đường xung quanh, lân cận dẫn đến lễ hội.”
Với việc chuẩn bị tốt trước mùa lễ hội, những năm gần đây, lễ hội Chọi trâu đã thực sự xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng, mang tính nhân văn và hướng tới việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Không có hiện tượng trộm cắp, chen lấn, xô đẩy, quá khích trong khi xem các ông trâu thi đấu; không xảy ra các hình thức biến tướng trục lợi như: Cá cược các cặp trâu đấu, bắt chẹt người mua trâu chọi với giá cao hay thậm chí gian lận giữa trâu thường và trâu chọi…
Lễ hội Chọi trâu thu hút hàng vạn du khách tham dự
Toàn tỉnh hiện có hơn 400 lễ hội, trải đều ở hầu hết các huyện, thành, thị, trong đó, chủ yếu là các lễ hội dân gian truyền thống. Để lễ hội Xuân thêm trọn vẹn, thực sự là ngày hội của nhân dân các địa phương, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch thường xuyên sát sao trong chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương. Trong đó, đề nghị các địa phương chú trọng quản lý chặt chẽ hoạt động tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cho phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống của dân tộc. Đồng thời, tuyên truyền giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội, vận động nhân dân thay đổi những tập tục không còn phù hợp với thực tiễn. Trong mỗi lễ hội, các địa phương xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho người tham gia lễ hội và du khách; thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội; không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội.
Cùng với đó, Sở đã tăng cường công tác thanh tra các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch. Trong năm 2017, tiến hành kiểm tra 125 cơ sở hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; kiểm tra công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại 21 lễ hội truyền thống ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn các vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động lễ hội và các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch của các tổ chức, cá nhân.
Với những nỗ lực của ngành chức năng và các địa phương, mùa lễ hội năm nay sẽ trọn vẹn hơn và thực sự ý nghĩa với mỗi người dân, du khách thập phương. Để đến với các lễ hội, người dân được thỏa sức hòa mình vào không khí tràn ngập hương xuân và thưởng thức những nghi lễ trang trọng, các trò chơi dân gian lành mạnh, bổ ích mà luôn cảm nhận một năm mới đầy may mắn được mang đến từ các lễ hội.
Sưu tầm