Ngày 15/3 tại TP. Đà Nẵng, Bộ VTTT&DL đã tổ chức Tọa đàm các tiêu chí xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hóa đọc trong thư viện tại khu vực miền Trung.
Hình ảnh tại Tọa đàm. VGP/Lưu Hương
Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của mạng lưới thư viện trong cả nước đối với mục tiêu xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; xác định các tiêu chí cụ thể phục vụ xây dựng thí điểm mô hình văn hóa đọc trong các thư viện; chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp và mô hình phát triển văn hóa đọc hiệu quả.
Văn hoá đọc có nhiều khởi sắc
Ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm xây dựng và hình thành thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phát triển phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh.
Bộ VHTT&DL cho biết, sau khi Đề án được phê duyệt, mạng lưới thư viện cấp xã và cơ sở đã có bước phát triển vượt bậc.
Trong năm 2017, tổng số thư viện công cộng, phòng đọc, tủ sách cơ sở là 20.768, tăng 15%; mạng lưới thư viện cấp xã là 3.257, tăng 20%; phòng đọc sách cơ sở là 16. 727, tăng 15% (so với năm 2016).
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã tiến hành đổi mới hoạt động thư viện như: Đa dạng hoá các loại hình phát triển thư viện, triển khai các dịch vụ thư viện mới, ứng dụng CNTT, cải cách, đổi mới việc cấp thẻ thư viện; đẩy mạnh luân chuyển sách báo đến các điểm thư viện xã, bưu điện văn hoá xã, trường học, đồn biên phòng, trại giam…
Các địa phương có các chỉ số về hiệu quả hoạt động, số lượng bạn đọc đến thư viện đông như TPHCM, Cần Thơ; nhiều thư viện đã có những bứt phá trong công tác phục vụ bạn đọc như Sơn La, Quảng Bình, Đắk Lắk, Vĩnh Long...
Trong năm 2017, tổng lượng bạn đọc đến thư viện đạt 29 triệu lượt, tăng 8%; tổng lượt sách báo phục vụ của thư viện đạt 55 triệu lượt, tăng 20%; số thẻ bạn đọc đạt 480.000 thẻ, tăng 3% (so với 2016). Đây cũng là năm bứt phá trong công tác phục vụ bạn đọc của thư viện cấp huyện với 9,9 triệu lượt bạn đọc và 20 triệu lượt sách báo luân chuyển, tăng 40% (so với 2016).
Những kết quả đạt được đã mang lại diện mạo mới cho ngành thư viện, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong hệ thống thư viện.
Thói quen đọc sách sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL nhận định, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu đọc sách, hình thành lên phong thái người Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian qua có nhiều lý do khác nhau như vì sinh kế, sự phát triển của internet nên việc đọc có dấu hiệu suy giảm. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, sự tiếp cận với thông tin, tri thức, cũng như lối sống lành mạnh của người Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và muốn khơi dậy, thúc đẩy khôi phục văn hóa đọc.
“Việc Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nhằm giúp người dân hình thành được thói quen, có kỹ năng sử dụng sách báo và ứng dụng nó làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”, bà Ngà khẳng định.
Tại Tọa đàm, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cho rằng, thói quen đọc sách ở người dân hiện nay chưa được hình thành một cách vững chắc, thời gian dành cho việc đọc sách chưa nhiều, công tác tuyên truyền hướng dẫn đọc chưa được thực hiện thường xuyên và có định hướng, hình thức còn nghèo nàn và cứng nhắc.
Ngoài ra, các hoạt động khuyến khích văn hóa đọc ở thư viện trường học chưa nhiều và chưa được sinh động. Hệ thống thư viện quận, huyện tổ chức chưa ổn định, không thống nhất nên khó khăn trong công tác chỉ đạo điều hành...
Để khơi dậy văn hoá đọc, cần chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thư viện; hỗ trợ cho thư viện trường học về nghiệp vụ chuyên môn, lượng sách báo đầy đủ; xây dựng thói quen đọc sách cho đội ngũ trí thức trước tiên, từ đó sẽ tác động đến các thành phần khác trong xã hội..
Còn theo ông Dương Duy Tiến, Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An, hình thành thói quen đọc sách không chỉ đơn giản là xây dựng nên các thư viện đầy ắp các kệ sách, mà điều quan trọng phải hướng dẫn các em học sinh, người dân biết giá trị của từng quyển sách. Các thư viện, nhà văn hoá phải tổ chức các hoạt động phù hợp để bạn đọc tiếp cận với sách báo, giúp người dân tìm đến những cuốn sách phù hợp, từ đó có những định hướng phát triển hài hoà và hợp lý.
Việc phát triển văn hoá đọc cho học sinh, sinh viên nói riêng và người dân nói chung là một trong những hoạt động, điều kiện quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng một xã hội học tập- một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ hội nhập.
Lưu Hương
Theo chinhphu.vn