Những năm qua, để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của địa phương, huyện Đam Đảo đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực, phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Ông Hà Văn Khánh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tam Đảo giới thiệu phương pháp nuôi Đông trùng hạ thảo.
Huyện Tam Đảo đã xây dựng nhiều giải pháp mang tính chiến lược để phát triển ngành du lịch. Huyện tập trung khai thác triệt để điều kiện tự nhiên sẵn có, đồng thời, thu hút các dự án đầu tư vào du lịch với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng như: Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên, cáp treo Tây Thiên, sân golf, khu nghỉ mát Tam Đảo và nhiều dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa…
Nhà hàng và hệ thống khách sạn đã được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Huyện đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt, tập trung phát triển hạ tầng các khu du lịch; khai thác tối đa các tiềm năng về giao thông để phát triển đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống của người dân.
Tam Đảo cũng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy kinh tế du lịch làm mũi nhọn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá du lịch dưới nhiều hình thức; kết nối với các tour, tuyến du lịch trọng điểm trong và ngoài tỉnh.
Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch hội thảo, nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí… gắn với tìm hiểu văn hóa, lịch sử thông qua các di tích và lễ hội truyền thống… Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, đặc biệt, các sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng như: Đông trùng hạ thảo Tam Đảo, giảo cổ lam 7 lá; rau sạch ...
Ông Hà Văn Khánh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tam Đảo cho biết: "Thị trấn Tam Đảo là nơi có điều kiện thời tiết mát mẻ, thích hợp với việc nuôi trồng Đông trùng hạ thảo. Công ty đã thành công trong việc nuôi trồng Đông trùng hạ thảo tại thị trấn Tam Đảo. Hiện nay, sản phẩm của công ty được nhiều người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao".
Để ngành du lịch phát triển, bên cạnh việc khai thác điều kiện tự, huyện Tam Đảotập trung phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, ngoài các cây, con có năng suất, giá trị kinh tế cao, các sản phẩm nông nghiệp đặc sản mang tính đặc trưng của Tam Đảo, các sản phẩm nông nghiệp sạch mang tính hàng hóa phục vụ khách du lịch...
Ông Trần Quang Thà, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo cho biết: "Tam Đảo thời tiết mát mẻ, độ ẩm không khí cao, đất đồi dốc, phù hợp với giống cây dược liệu. UBND thị trấn Tam Đảo đã vận động người dân phục hồi trồng cây thuốc Nam truyền thống của Tam Đảo làm quà cho du khách như: Giảo cổ lam 7 lá, cây huyền sâm Tam Đảo... Hiện nay, du khách khi ra về có thể yên tâm mua những sản phẩm này tại các cửa hàng bày bán nông sản tại thị trấn".
Ông Tạ Quốc Vượng, Quản lý Trạm Nghiên cứu trồng cây thuốc Tam Đảo thuộc Viện Dược Liệu - Bộ Y tế cho biết: "Cây giảo cổ lam 7 lá là loại thân lấy lá chứa vị đắng, có tác dụng giảm mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa mạch máu, chống ô xi hóa tế bào, bình ổn huyết áp, phòng ngừa các biến chứng về tim mạch... Hiện cây dược liệu giảo cổ lam 7 lá Tam Đảo được khách du lịch tin dùng".
Chị Lê Thị Nguyệt, (Hà Nội) cho biết: Tôi bị bệnh huyết áp cao, đã sử dụng nhiều loại giảo cổ lam nhưng khi đến nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Tam Đảo, tôi đã mua và sử dụng giảo cổ lam 7 lá và thấy có tác dụng tốt".
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành du lịch, năm 2017, huyện Tam Đảo đã đón gần 1,7 triệu lượt du khách; tổng doanh thu đạt gần 135 tỷ đồng. Trong đó, thị trấn Tam Đảo đón hơn 300 nghìn lượt khách với 135 nghìn lượt khách lưu trú qua đêm, doanh thu ước đạt hơn 115 tỷ đồng, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2016; Khu danh thắng Tây Thiên đón hơn 1,3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt gần 20 tỷ đồng, bằng 122% so với năm 2016.
ST