Cập nhật: 26/03/2018 10:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong y học cổ truyền, mai mực có tên thuốc là ô tặc cốt, hay hải phiêu tiêu. Dược liệu có màu trắng như phấn...

 

Mai mực trắng như phấn không gãy vỡ là loại tốt.

Trong y học cổ truyền, mai mực có tên thuốc là ô tặc cốt, hay hải phiêu tiêu. Dược liệu có màu trắng như phấn, không gãy vỡ là loại tốt, cạo sạch vỏ cứng ở ngoài mai, cắt thành miếng nhỏ, tán bột, rây mịn.

Bột mai mực có vị mặn, chát, mùi hơi tanh, tính ấm, không độc, có tác dụng giảm đau, làm se, chống loét, chỉ huyết, dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác chữa bệnh trong những trường hợp sau:

Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng, ợ chua, đại tiện táo: mai mực 20g, cam thảo 12g, thổ bối mẫu 6g, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g trước bữa ăn 30 phút.

Hoặc dùng bài: mai mực 60g, mẫu lệ nung 30g, gạo tẻ sao vàng 30g, hoàng bá sao vàng 20g, màng mề gà sao vàng 20g, cam thảo 20g, hàn the phi 10g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 lần vào khoảng giữa 2 bữa ăn, mỗi lần 4-8g chiêu với nước ấm.

Chữa ho ra máu, phụ nữ băng huyết, trẻ em chậm lớn: ngày uống 4-8g bột mai mực. Dùng 7-10 ngày, nghỉ một tuần, sau lại dùng tiếp nếu cần thiết.

Chữa đại tiện ra máu: mai mực nướng vàng, tán bột mỗi lần uống 4-8g với nước sắc cây mộc tặc.

Chữa cam tẩu mã, loét mũi, viêm tai chảy nước: mai mực 12g, hoàng liên 12g, thanh đại 12g, hồng đơn 12g, tế tân 12g, ngũ bội tử 12g, nhân trung bạch 12g, phèn phi 8g, mai hoa 4g. Từng thứ sao riêng, trừ hồng đơn, mai hoa, thanh đại, rồi tán bột mịn, trộn đều. Khi dùng rắc bột vào vết thương, vết loét.

Chữa bỏng nhẹ: lấy mai mực đốt thành than, rây bột mịn, trộn với dầu vừng hoặc dầu dừa thành một hỗn hợp sền sệt, bôi ngày 2 lần. khoảng 1 tuần vết bỏng sẽ se lại và lành.

DS. Mai Thủy

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm