Cập nhật: 28/03/2018 10:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đến với bản Khánh thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, du khách hoàn toàn có được cảm giác thân quen, gần gũi và sinh hoạt hàng ngày như những người bản địa. Du khách không chỉ được ở nhà Sàn, mà còn ăn những món ăn của người dân tộc.

 

Nằm trong chương trình thăm quan tại Vườn Quốc gia Cúc Phương thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Bản Khánh được chọn làm nơi diễn ra hoạt động du lịch cộng đồng về bản. Đây là một mô hình mang tính bảo tồn giá trị văn hóa của người Mường, đồng thời giúp bà con phát triển kinh tế thông qua các dịch vụ du lịch.

Được biết, mô hình du lịch cộng đồng về bản thuộc sự quản lý của Ban Quản lý vườn Quốc gia Cúc Phương, được đi vào hoạt động từ năm 1990. Nhưng đến năm 1992, Ban Quản lý quyết định đưa hoạt động du lịch này cho bản Khánh làm thí điểm. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây mô hình này mới bắt đầu thu hút nhiều khách du lịch. Trong bản có khoảng từ 7- 10 hộ gia đình làm du lịch. Ở đó, những chủ nhà sẽ có trách nhiệm đảm bảo việc ăn, ở và các sinh hoạt hàng ngày cho du khách. Đồng thời sẽ chia sẻ số lượng khách cho nhau. Có những đoàn khách ít người thì sẽ ở hết trong một gia đình, sau đó quay vòng lần lượt tới các hộ gia đình khác. Còn nếu đoàn khách đông thì được chia đều cho từng gia đình.

Tại đây, những ngôi nhà Sàn homestay được phổ biến rộng dãi. Du khách sẽ được sinh hoạt hàng ngày với bà con bản Khánh. Mỗi hộ gia đình, ở được từ 5-7 người. Người Trưởng bản sẽ có trách nhiệm kết nối những du khách với cộng đồng người tại bản Khánh.

Đến với bản Khánh, du khách hoàn toàn có được cảm giác thân quen, gần gũi và sinh hoạt hàng ngày như những người bản địa. Du khách không chỉ được ở nhà Sàn, mà còn ăn những món ăn của người dân tộc. Như: rau sắn, rau rừng, cá suối... Đồng thời, trang phục sinh hoạt cũng được thay bằng những chiếc váy Mường. Ngoài ra, với những đoàn khách có trẻ nhỏ thì hàng ngày khi người lớn lên nương cùng với bà con trong bản, thì những em nhỏ sẽ cùng vui chơi, tham gia các hoạt động múa hát tại bản với các em nhỏ ở đây.

Ở lại bản Khánh trong một đêm, chúng ta cũng những đoàn khách nước ngoài được tham gia vào các điệu múa Sạp, múa Sênh tiền, múa Quạt của người tại bản Khánh. Ngắm nhìn các cô gái Mường biểu diễn những điệu múa Sênh tiền người xem như thấy được cuộc sống lao động, sinh hoạt của đồng bào. Hay những âm thanh tươi vui của điệu múa Sạp. Nhưng tất cả những điệu múa đều thể hiện khát vọng, ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xua tan những điều không may mắn để đón nhận nhiều niềm vui mới. Và điều quan trọng, đồng bào múa sênh tiền còn xuất phát từ tình yêu gia đình, bản làng và mong muốn bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Sau mỗi chuyến trải nghiệm của du khách, Ban Quản lý luôn nhận được những phản hồi tích cực và sự hài lòng của du khách.

Hiện nay với mô hình du lịch khám phá cộng đồng, hằng năm bản Khánh đón tiếp từ 500- 700 khách du lịch. Chủ yếu là khách nước ngoài. Trong thời gian tới theo Ban Quản lý của mô hình này cho biết sẽ tiếp tục phát triển hoạt động tại bản Khánh và sẽ nhân rộng ra nhiều bản khác. Bên cạnh đó Ban Quản lý luôn nhận được sự ủng hộ các sở, ban nghành văn hóa tại tỉnh Ninh Bình về những kế hoạch nhằm bảo tồn giá trị văn hóa của người Mường. Mong rằng sẽ có nhiều hơn những mô hình du lịch khám phá cộng đồng, là cách để gìn giữ những nét văn hóa của vùng dân tộc thiểu số./.

ST

Tệp đính kèm