Ban đỏ nhiễm khuẩn là tình trạng phát ban ngoài da ở trẻ em do Parvovirus B19. Bệnh hay gặp vào mùa xuân, mùa hè ở các vùng có khí hậu nóng.
Phát hiện các ban đỏ, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ tư vấn.
Bệnh thường lây qua đường hô hấp là chính như tiếp xúc với người bệnh khi hắt hơi, sổ mũi hoặc tay chạm tay sau đó lại đưa lên đường hô hấp gây thành dịch ở trường học, trong gia đình. Bệnh lành tính nhưng có thể gây nguy hiểm ở người suy giảm miễn dịch, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc ở phụ nữ mang thai. Vì vậy, việc hiểu biết để phòng bệnh là vô cùng quan trọng.
Con đường lây truyền
Thời gian ủ bệnh khoảng 6-18 ngày. Ở giai đoạn phát ban, bệnh không lây nhiễm. Virut vào máu sau 5-10 ngày. Có thể tìm virut từ bệnh phẩm là dịch tiết của miệng hoặc mũi. Các đường lây truyền virut là không khí, lây từ mẹ sang con, lây quan đường máu. Virut có thể tồn tại lâu trong máu, tủy xương, da… Tuy nhiên, bệnh thường lây qua đường hô hấp là chính như tiếp xúc với người bệnh khi hắt hơi, sổ mũi hoặc tay chạm tay sau đó lại đưa lên đường hô hấp. Do vậy, có thể tìm thấy virut trong dịch tiết miệng hoặc mũi sau 5-10 ngày nhiễm bệnh.
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng khi bị ban đỏ nhiễm khuẩn thường là sốt nhẹ, đau đầu. Sau vài ngày, xuất hiện phát ban ở má, thương tổn đỏ da, cảm giác hơi nóng, rát như ai đó đánh vào hai má. Triệu chứng này kéo dài 2-4 ngày, sau đó xuất hiện ban đỏ màu hồng, dạng lưới ở các chi, có thể gặp ở cả thân mình. Các vết đỏ có thể nhạt đi nhưng sẽ trở nặng khi người bệnh tiếp xúc với hơi nóng như tắm vòi sen nước nóng hay lạnh, tắm nắng. Ban có thể mất đi sau vài ngày, nhưng một số trường hợp kéo dài vài tuần. Một số trẻ còn có triệu chứng: xuất hiện các hạch, viêm họng... Do triệu chứng của ban đỏ nhiễm khuẩn thường dễ lẫn với một số bệnh khác, do đó, khi nghi ngờ, cách tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, tư vấn và điều trị nhằm tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn không có biện pháp điều trị cụ thể, việc điều trị chủ yếu nhằm làm giảm các triệu chứng như: sốt, đau... Nếu mắc, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn thuốc cụ thể. Không tự ý mua thuốc về dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh bệnh càng nặng thêm. Có thể dùng khăn lạnh chườm vào má để giảm cảm giác nóng, rát cho trẻ. Khi khỏi, bệnh sẽ không tái phát.
Nếu như con bạn bị rối loạn máu hoặc suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị ung thư mà bị bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn, cần cho trẻ đến ngay các cơ sở y tế. Những trường hợp này có sức đề kháng yếu, do vậy, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn tuy lành tính nhưng có thể gây nguy hiểm ở người suy giảm miễn dịch, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc ở phụ nữ mang thai. Parvovirus B19 không gây dị tật thai nhi nhưng có thể gây thai lưu. Các biến chứng khác có thể gặp là viêm đa khớp, viêm não, viêm gan, viêm cơ, bệnh tim...
Cách phòng bệnh
Trẻ mắc phải bệnh này rất dễ lây lan cho trẻ khác, đặc biệt khi trẻ đang trong giai đoạn có những triệu chứng giống như cảm lạnh. Tuy nhiên, đến khi phát ban, trẻ sẽ không lây nhiễm cho người khác nữa. Bởi vậy, khi thấy trẻ bị sốt hoặc phát ban, cần giữ trẻ tránh xa các trẻ khác và các thai phụ. Phụ nữ mang thai nếu nghi ngờ tiếp xúc với nguồn bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn thì cần đi xét nghiệm. Hiện nay, vẫn chưa có vắc-xin đặc hiệu để điều trị và phòng bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn cấp ở trẻ, vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh là giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
Những người đang mang thai, đã bị nhiễm virut hoặc từng có tiếp xúc với người nghi ngờ có virut nên tới bệnh viện để làm xét nghiệm máu, cần theo dõi chặt chẽ về sự phát triển của thai nhi nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc.
BS. Hà Thị Quế
Theo suckhoedoisong.vn