Cập nhật: 03/04/2018 14:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Tây y khẳng định bệnh này có xu hướng tồn tại suốt đời, nhưng y học cổ truyền chúng tôi không đồng ý theo quan điểm này. Y học cổ truyền nhìn nhận bệnh có xu hướng kéo dài trong cuộc sống và có thể chữa được”, ThS.BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động ngôn ngữ trẻ em (một trong bốn khoa thuộc khối Nhi đang điều trị bệnh tự kỷ), Bệnh viện Châm cứu Trung ương khẳng định.

 

Được thành lập từ năm 2013, Khoa Tự kỷ (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) tiếp nhận điều trị cho hơn 1.000 lượt cháu mắc tự kỷ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100 cháu tự kỷ vào đây để điều trị.

Theo Th.S Dương Văn Tâm, tự kỷ là một bệnh chứ không phải một dạng rối loạn cảm xúc như nhiều người vẫn lầm tưởng. Bệnh được miêu tả là một dạng rối nhiễu tâm trí ở trẻ em, biểu hiện ở những lĩnh vực: giao tiếp, chậm về các mặt ngôn ngữ, quan hệ xã hội và các hành vi mang tính chất rập khuôn, máy móc, thu hẹp, không có tính chất chức năng gì. Nguyên nhân gây ra căn bệnh được nhấn mạnh là do những rối loạn về gen từ trong thời kỳ bào thai do những tác động của môi trường chung quanh làm xuất hiện những đoạn gen bệnh.

BS Tâm nhấn mạnh, trẻ mắc tự kỷ có các tổn thương ở các tạng phù, kinh mạch với những mức độ khác nhau. Do đó, các bác sĩ sử dụng các kỹ thuật của y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, tác động vào huyệt vị để điều trị các chứng bệnh này, giúp các bé hòa nhập cuộc sống, cải thiện cuộc sống.

“Bố mẹ khi thấy con có những rối loạn về sức khỏe như vậy thường tìm tới bác sĩ nhi khoa tâm bệnh để sàng lọc, khám, làm các test, sau đó họ điều trị các chứng bệnh kèm theo. Thí dụ, nếu trẻ chậm trí tuệ thì cho trẻ uống thuốc bổ thần kinh, động kinh thì uống thuốc chống động kinh, tăng động giảm chú ý thì cho thuốc giảm tăng động và tăng sự chú ý cho trẻ,… sau đó họ thường chuyển sang can thiệp bằng phương pháp giáo dục”, BS Tâm chia sẻ.

Nhưng với y học cổ truyền, các bác sĩ sẽ dựa trên những chứng trạng tổn thương của trẻ để đề ra các phương pháp điều trị và công thức huyệt vị bằng những kỹ thuật điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ đồng thời kết hợp với các chuyên gia khác, chuyên ngành khác để phát hiện sớm, sàng lọc, sau đó là can thiệp sớm, tích cực.

Phương pháp điều trị này được đánh giá có hiệu quả tích cực. “Tự kỷ có xu hướng kéo dài, có thể chữa theo từng đợt, mỗi đợt can thiệp là một tháng, cách nhau 15 ngày. Mỗi trẻ có thể điều trị 5-7 đợt/năm, thậm chí 10 đợt, kéo dài trong nhiều năm. Thực tế, chúng tôi đã có những nghiên cứu và tổng kết để so sánh trước và sau điều trị, cho thấy có sự khác biệt rất có ý nghĩa thống kê về sự cải thiện các chứng trạng rối nhiễu của trẻ”, bác sĩ Tâm nói.

Theo các bác sĩ, khi có con, bố mẹ phải luôn luôn để ý đến con mình, đồng thời căn cứ những mốc phát triển của con. Nếu thấy con chậm phát triển hoặc rối loạn phát triển về các mặt quan hệ xã hội, ngôn ngữ, hành vi, sở thích, phải đưa đi khám càng sớm càng tốt để được can tiệp sớm và tích cực ngay từ đầu.

 

 

Theo TRẦN NGUYÊN/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm